Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất
Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết,
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 07 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 01 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính), ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc tiếp tục duy trì, củng cố thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý Nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, ông Tùng cũng cho hay, để đáp ứng yêu cầu quản lý hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong một số luật đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Do đó, việc dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm thể hiện đầy đủ, chính xác yêu cầu thực tế về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.
Việc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong dự thảo Luật như Chính phủ đã trình và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo cho rằng, để vừa thực hiện được yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, vừa bảo đảm để Bộ thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, đồng thời phân định rành mạch, tránh chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đề nghị quy định theo hướng ở những lĩnh vực có Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thì hoạt động thanh tra chuyên ngành cơ bản sẽ do Thanh tra Tổng cục, Cục thực hiện;
Thanh tra Bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực đó trong 3 trường hợp: vụ việc cần thanh tra có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thanh tra lại theo yêu cầu của Bộ trưởng đối với vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Cục khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; khi Bộ trưởng thấy cần thiết giao Thanh tra Bộ trực tiếp thanh tra để bảo đảm tính khách quan.
Phòng, chống tham nhũng tiêu cực
Đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Uỷ ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ sự đồng tình việc duy trì thanh tra cấp huyện.
Qua giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, bất cập của nhiều nơi là do thiếu quan tâm cả về tổ chức, biên chế, đào tạo nguồn nhân lực cũng như các điều kiện bảo đảm cho hoạt động thanh tra cấp huyện.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên duy trì thanh tra cấp huyện, cần củng cố cả về tổ chức, biên chế, đào tạo, chế độ chính sách. Bởi vì ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thanh tra để giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương thì thanh tra huyện còn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham những tiêu cực.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát quan hệ giữa thanh tra huyện với Chủ tịch huyện và UBND huyện, giữa thanh tra tỉnh và Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh, giữa thanh tra Chính phủ với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ…
“Tính độc lập của thanh tra, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thể hiện như thế nào trong dự án Luật này, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ đến đâu, ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát các nội dung này và báo cáo thêm. Nhất là Thanh tra Chính phủ quản lý Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì trong chính sách hay trong tổng kết luật chưa thấy đề cập đến nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các nội dung này rất quan trọng nhằm nâng cao tính trách nhiệm và khi có kết luận thanh tra sẽ rất nhanh.
Hoàng Thị Bích
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/duy-tri-thanh-tra-huyen-de-kip-thoi-phat-hien-sai-pham-ngay-tu-co-so-a573826.html