Hà Nội: Tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Trung thu 2022

Trung thu đang đến gần, Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm dùng nhiều trong dịp này.

Những ngày qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Tp.Hà Nội liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mới đây, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 24-Cục QLTT Hà Nội bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh bánh kẹo tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Tp.Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, ước tính trị giá khoảng 27 triệu đồng.

Trong quá trình kiểm tra, ông Nguyễn Công Dũng, chủ cửa hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc của 10.800 chiếc bánh Trung thu nêu trên.

Theo lời khai của chủ cơ sở, gần Tết Trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi về bán. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ.

Ngày 16/8, tại khu vực ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) phối hợp với Cục QLTT Hà Nội kiểm tra hành chính một người đàn ông đang tập kết hàng hóa có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 50 hộp bên trong chứa 4.000 chiếc bánh Trung thu, trên vỏ hộp và vỏ bánh đều in chữ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 6/7, Đội QLTT số 24 cũng đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù. Thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 5.100 chiếc bánh Trung thu có nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài.

Chủ cửa hàng cho biết, mua bánh trôi nổi để bán kiếm lời, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Hiện, trên thị trường đang rộ lên các loại bánh Trung thu mini của Trung Quốc được bán tràn lan với giá siêu rẻ chỉ từ 2.000-5.000 đồng/cái hoặc chỉ vài chục nghìn đồng nếu mua theo cân.

Điều này khiến nhiều người lo ngại về chất lượng loại sản phẩm trên. Một số người sản xuất bánh Trung thu truyền thống lâu năm cho biết, nếu mua nguyên liệu với giá cả và chất lượng tối thiểu mà vẫn bảo đảm độ ngon, an toàn thực phẩm thì cũng không thể bán với mức giá quá rẻ như vậy...

Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, Cục QLTT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, căn cứ tình hình quản lý thị trường của ngành, Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT phối hợp cùng chính quyền sở tại tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Tập trung kiểm tra bánh Trung thu, kẹo, rượu bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh Trung thu,…

Nhờ tăng cường kiểm tra nên vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 24 đã xử lý 5.100 chiếc bánh trung thu có nhãn hiệu chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm và sẽ chuyển hồ sơ vụ việc nghiêm trọng cho cơ quan chức năng truy tố theo luật định.

Vừa qua, UBND Tp.Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về việc bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn Thành phố năm 2022.

Hiện, cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.

Nhiều quận, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh Trung thu ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với cơ sở kinh doanh bánh Trung thu, phải bảo đảm vệ sinh quanh quầy hàng, việc nhập khẩu và công bố thực phẩm, bánh Trung thu phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của Tp.Hà Nội, triển khai Kế hoạch số 212/KH-UBND, Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, bánh Trung thu. Thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ kết hợp tuyên truyền kiến thức, quy định pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Khuyến cáo người dân sử dụng bánh Trung thu có nguồn gốc, có tên, địa chỉ nhà sản xuất và còn hạn sử dụng.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên người dân chỉ nên mua những sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm qua hình thức online.

 

Minh Hoa

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-tang-cuong-bao-dam-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-tet-trung-thu-2022-a573857.html