Bộ Y tế vào cuộc giải “cơn khát” thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng

Công tác kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị đang được triển khai tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đưa bệnh nhân đi “mổ nhờ” vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, báo cáo với đoàn kiểm tra, PGS.TS Đào Xuân Cơ- Giám đốc bệnh viện cho biết, sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, số bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến, tăng gấp 5 lần, gây ra quá tải bệnh viện và đã xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, 18 công ty trúng thầu thuốc, vật tư chưa cung ứng đủ theo đơn đặt hàng của bệnh viện, kể cả một số loại thuốc thiết yếu sử dụng trong điều trị tim mạch hay thuốc kháng sinh, thuốc giải độc..., đặc biệt, một số gói thầu hóa chất, vật tư y tế dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch trượt thầu với tỉ lệ từ 23% đến 70%.

Một trong những nguyên nhân thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất... mà bệnh viện chỉ ra là do dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của doanh nghiệp. Nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật.

Toàn cảnh - Bộ Y tế vào cuộc giải “cơn khát” thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại buổi làm việc với Bệnh viện Tai Mũi Họng TW về tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao và thiêt bị y tế. Ảnh: Lê Hảo

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, 262 danh mục gồm hóa chất, vật tư không chọn được nhà thầu. Làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết phải gửi cả bệnh nhân sang cơ sở y tế khác để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật vì thiếu thuốc, vật tư y tế.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, giai đoạn cao điểm mùa hè, công suất tối đa giường bệnh là 98-100% (gồm 350 giường nội trú). Mỗi ngày 10 phòng mổ của bệnh viện thực hiện từ 80- 90 ca mổ. Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất và trang thiết bị đã khiến bệnh viện phải chuyển bệnh nhân sang các nơi khác để thực hiện dịch vụ kĩ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh...

“Đã có tình trạng bệnh nhân xin ra viện hoặc chuyển đến bệnh viện khác để điều trị; cùng đó bệnh viện phải áp dụng kĩ thuật, phương pháp cũ để điều trị cho người bệnh. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, chất lượng dịch vụ cũng như sự hài lòng của người bệnh đối với bệnh viện và chính nhân viên y tế cũng cảm thấy áp lực”, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh nêu thực trạng.

Nói thêm về tình trạng "khát thuốc", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ chia sẻ, Bệnh viện đang thiếu thuốc kháng sinh thiết yếu, thuốc tiêm tĩnh mạch, cấp cứu thần kinh... do không có nhà cung cấp. Thậm chí, một số kháng sinh Việt Nam sản xuất nhưng do giá nguyên liệu nhập vào đắt nên cũng không có hàng.

“Bệnh viện đã có dự trù, nhưng số lượng bệnh nhân tăng vọt khiến tình trạng thiếu thuốc thêm nặng nề”, ông Đào Xuân Cơ nói và cho biết, giá thuốc là do doanh nghiệp tự công khai trên cổng thông tin Bộ Y tế và tự chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng các bệnh viện không biết giá đó là thật hay thổi giá.

Toàn cảnh - Bộ Y tế vào cuộc giải “cơn khát” thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng (Hình 2).

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai báo cáo về công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế của bệnh viện Ảnh: Hảo Lê

Báo cáo của ngành y tế cho thấy, có 28/34 tỉnh, thành phố và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh. Các loại thuốc đang thiếu là kháng sinh, thuốc điều trị tim mạch, tăng huyết áp, thuốc điều trị các bệnh lý nhãn khoa…, cùng một số vị thuốc y dược cổ truyền.

Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện các bệnh viện cũng đã đề xuất, đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn duy trì hiệu lực giấy phép lưu hành, đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc hướng tâm thần; bổ sung hướng dẫn xử lý tình huống thay thế thuốc, mua sắm thuốc khi nhà thầu không cung ứng đủ thuốc; triển khai đấu thầu tập trung quốc gia tất cả các danh mục thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. 

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đồng thời yêu cầu các bệnh viện cũng cần có báo cáo cụ thể hơn, đầy đủ về vấn đề này gửi cho đoàn để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế. “Chúng tôi cho rằng cũng có những vấn đề tháo gỡ được ngay, cũng có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo hai bệnh viện kể trên kiến nghị với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, gửi kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh triển khai đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương, giảm bớt danh mục đấu thầu tại các cơ sở y tế. Về lâu dài cần hoàn thiện hệ thống văn bản, quy trình và sớm ban hành các văn bản về đấu thầu để các bệnh viện có cơ sở để thực hiện...

Nhiều bệnh viện “kêu” thiếu thuốc chống đông

Theo lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội, hiện thuốc Protamin sulfat dự trữ tại đơn vị còn rất ít, nếu tình hình chưa được giải quyết trong 2 tuần tới, nguy cơ Bệnh viện phải tạm dừng phẫu thuật các bệnh lý tim mạch. Một số cơ sở khác có chuyên khoa tim mạch cũng gặp tình trạng khan hiếm Protamin sulfat, ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh.

Được biết, thuốc Protamin sulfat chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực. Do là thuốc hiếm nên các hãng thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng. Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở y tế và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thì mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Do đó, nếu việc đặt hàng không chủ động và kịp thời, có thể dẫn đến có khoảng thời gian thiếu thuốc khi nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho Việt Nam và nếu chờ sản xuất thêm thì phải mất khoảng vài tháng.

Toàn cảnh - Bộ Y tế vào cuộc giải “cơn khát” thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng (Hình 3).

                 Các bác sĩ Bệnh viện tim Hà Nội thực hiện một ca phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 14/8, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản về cung ứng thuốc Protamin sulfat gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; các cơ sở nhập khẩu thuốc.

Theo Cục Quản lý Dược, vừa qua, có một số phản ánh về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ứng thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat tại một số cơ sở khám, chữa bệnh.

Về nội dung này, Cục Quản lý Dược cho biết, Protamin sulfat nằm trong danh mục thuốc hiếm, thuốc thuộc nhóm chống đông và là “mặt hàng không thể thiếu” trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực.

Do đây là thuốc hiếm, Cục Quản lý Dược khẳng định Protamin sulfat luôn được ưu tiên xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành. Tuy nhiên đến nay, chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho thuốc chứa hoạt chất này.

Thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho một số cơ sở để nhập khẩu thuốc tiêm chứa hoạt chất Protamin sulfat (chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành) để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể: dung dịch tiêm Prosulf (hoạt chất Protamin sulfat 10mg/ml), dung dịch tiêm Pamintu 10mg/ml (hoạt chất: Protamin sulfat 10mg/ml).

Theo thông tin từ các cơ sở nhập khẩu, mặc dù số lượng thuốc Protamin sulfat đã được cấp phép nhập khẩu là theo đúng số lượng dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu. Tuy nhiên, số lượng thuốc Protamin sulfat nhập khẩu vào Việt Nam sắp tới vẫn có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với số lượng dự trù hiện tại.

Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác.

Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Do đó, nếu việc đặt hàng không chủ động và kịp thời có thể dẫn đến có khoảng thời gian thiếu thuốc tạm thời khi nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho Việt Nam; đồng thời, nếu chờ sản xuất thêm thì phải mất khoảng vài tháng.

Để đảm bảo kịp thời, cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; các cơ sở nhập khẩu thuốc nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục Quản lý Dược liên quan đến việc cung ứng thuốc Protamin sulfat.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/8 kế hoạch nhập khẩu Protamin sulfat trong thời gian tới; các nguy cơ và tình trạng thiếu hụt nguồn cung (nếu có) và đề xuất các giải pháp khắc phục...

Quy định mua sắm đang “bó” và rất khó mua

Tại cuộc tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng, lãnh đạo bệnh viện và các chuyên gia phân tích, đánh giá cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục.

Là lãnh đạo một bệnh viện tuyến đầu của Trung ương, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vấn đề thiếu thuốc xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai không trầm trọng và chỉ thiếu những thuốc thiết yếu do không có nhà cung cấp. Nguyên nhân được chỉ ra do đứt chuỗi cung ứng.

Mới đây, Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia cũng đã công bố kết quả thầu đối với những thuốc nằm trong danh mục này, vì vậy, vấn đề thiếu thuốc đang được khắc phục dần. Tuy nhiên, liên quan đến các vật tư, thiết bị y tế thì hiện tại các quy định mua sắm đang “bó” và rất khó mua.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng, nếu bây giờ bệnh viện muốn mua một số thiết bị y tế thì phải có 3 báo giá để làm giá kế hoạch và giá này phải được cập nhật trong 12 tháng. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, thậm chí trong 2 năm chống dịch vừa rồi, chúng ta chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch.

“Còn các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị những bệnh thông thường thì trong 24 tháng qua, tôi khẳng định là các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà phải cập nhật trong vòng 12 tháng là điều hoàn toàn không khả thi”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, một vấn đề đang vướng mắc tại cơ sở y tế, các bệnh viện liên quan đến giá. Cụ thể giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế do các doanh nghiệp khai và chịu trách nhiệm, trong khi hiện nay chưa bộ, ngành nào chịu trách nhiệm kiểm soát, giám sát các mức giá này. Đây là điều e ngại cho các bệnh viện, người đứng đầu các cơ sở khi đánh giá về giá thuốc, thiết bị y tế.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ đề xuất cần có cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm về giá, không để các doanh nghiệp tự công bố giá để tránh việc họ bắt tay thổi giá, tạo giá không hợp lý.

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, do một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp và sát thực tế nên các cơ sở y tế rất khó khăn khi thực hiện. Vì vậy, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất cần có các đoàn khảo sát, hỗ trợ các đơn vị, các Sở Y tế, các bệnh viện trong vấn đề này, vì trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện, Giám đốc các cơ sở y tế là phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Đấy là quy định và cũng là trách nhiệm nên rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ Y tế và các bộ liên ngành tạo điều kiện cho các nhà quản lý ở các cơ sở thuận lợi trong việc mua sắm.

Về phía cơ quan quản lý, TS.Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia cho biết, vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế không phải bây giờ mới có mà tình trạng này đã xảy ra từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là thiếu ở mức độ nào, thiếu cái gì, thiếu ra sao?

“Lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thực tế tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc để từ đó có những số liệu rõ ràng và trên cơ sở đó mới đưa ra được giải pháp cụ thể”, ông Bảo nói.

Gỡ vướng “điểm nghẽn”

Liên quan đến “điểm nghẽn” đang tồn tại trong công tác đấu thầu thuốc, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, quy định pháp luật và năng lực của cán bộ thực hiện đấu thầu còn nhiều bất cập. Nếu liên quan tới quy định pháp luật, thì điểm nào vướng cần gỡ ngay.

Theo đó, cần nâng cao khả năng tổ chức thực hiện đấu thầu ở cả Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và bộ phận thực hiện đấu thầu ở các Sở Y tế và cơ sở khám chữa bệnh.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh: “Nếu khắc phục được hai "điểm nghẽn" cơ bản trên, chúng ta sẽ mở được cánh cửa để thực hiện tốt hơn nữa công tác đấu thầu thuốc”.

Cũng theo TS. Quang, muốn giải quyết gốc rễ của vấn đề, cần kết hợp các giải pháp trước mắt và lâu dài. Đầu tiên, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và ban hành các thông tư liên quan đến hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ, từ đó nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Đàm phán giá (Bộ Y tế) đang đàm phán giá đối với 62 thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, giá trị trên 100 tỷ đồng. Trong tháng 7/2022, Hội đồng đã đàm phán thành công 19/62 thuốc biệt dược gốc, với giá trị giảm giá là 1.223 tỷ đồng, tỉ lệ giảm giá trung bình đạt 22,8%. Trong tháng 8, Hội đồng tiếp tục đàm phán đối với các thuốc biệt dược gốc còn lại để sớm có thuốc đặc trị cho người bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc.

PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhìn nhận, việc thiếu thuốc hiện nay đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo, người có công, người yếu thế trong xã hội.

“Chúng ta không có đủ thuốc ngay với giá cả hợp lý thì đây là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng ngành y. Đặc biệt là những thuốc đặc trị thiết yếu cần gấp cho người bệnh”, bà An nhấn mạnh.

Cho rằng chúng ta đã từng tháo gỡ cho các doanh nghiệp, cho đầu tư công thì cũng gỡ được cho ngành y, nhất là vấn đề thuốc hiện nay, bà An đề xuất cần rà soát lại cơ chế, chính sách xem có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát lại ngay và có lộ trình, không nên lâu quá, xem tất các văn bản liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm có gì vướng thì sửa ngay.

 

M.Vy

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-y-te-vao-cuoc-giai-con-khat-thieu-thuoc-chua-benh-tram-trong-a573859.html