Tiền lương phải dựa vào quy luật thị trường

Ngoài ra, chuyên gia đánh giá hiện nay đào tạo lao động không gắn với nhu cầu thị trường vì vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Dưới góc độ người nghiên cứu, chuyên gia, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng thị trường lao động Việt Nam cho đến nay còn một số hạn chế khi chúng ta chưa bắt kịp được các chuẩn mực kinh tế thị trường một cách linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả.

Dịch vụ thị trường chưa hiện đại

Chuyên gia đánh giá thị trường lao động hiện nay phát triển nhưng chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế và giải quyết việc làm một cách bền vững. Bên cạnh đó thị trường có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực mà tác động của dịch Covid-19 là biểu hiện lớn nhất cho thấy sự mất cân đối cung cầu lao động một cách cục bộ.

“Quan hệ cung cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Chúng ta không quan tâm đến cơ cấu nên có thể đào tạo nhưng lại không sử dụng được vì không đào tạo theo nhu cầu của thị trường.

Vấn đề yếu nhất của Việt Nam hiện nay là kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường chưa hiện đại, đó chính là công nghệ thông tin. Chúng ta bàn đến hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng không chủ động được để cung ứng gói an sinh xã hội đến người dân, điều này rất đáng suy nghĩ khi chúng ta thực hiện chính sách về lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Đối thoại - Tiền lương phải dựa vào quy luật thị trường

            TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: baochinhphu).

Từ những hạn chế, chuyên gia bày tỏ hướng phát triển thị trường lao động trong thời gian tới cần theo các tiêu chí linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập, hiệu quả.

Theo đó, mục tiêu phát triển thị trường lao động chính là việc làm bền vững, thể hiện qua 6 yếu tố cơ hội người lao động có việc làm; điều kiện làm việc; năng suất lao động; bình đẳng; an toàn tại nơi làm việc; thu nhập thoả đáng và bảo đảm BHXH, BHYT.

Tiền lương là giá cả của sức lao động

Để thị trường lao động đạt được những yếu tố kể trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần vận hành hiệu quả với thị trường vốn, đất đai, hàng hoá, dịch vụ, thông tin, giảm thiểu các rào cản với người lao động.

Quan trọng nhất là thu hẹp được việc làm của khu vực phi chính thức. Điều này không có nghĩa là chuyển ồ ạt lao động của thị trường phi chính thức sang chính thức mà chuyển dần từng bước và có điều kiện.

Giải thích về yếu tố linh hoạt, chuyên gia nêu 3 yếu tố liên quan đến hoạt động theo quy luật khách quan, có vai trò điều tiết của Nhà nước; đa dạng các hình thức kết nối cung cầu lao động; thị trường lao động hiện nay đang chuyển sang thị trường cao hơn về chất lượng, vì vậy phải cơ cấu lại cho hợp lý.

Hiện đại phải được thể hiện ở 3 vấn đề trong vận hành hiệu quả theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường; quan hệ lao động phải hài hoà, ổn định, tiến bộ; phát triển thị trường lao động Việt Nam nhằm đạt tới khả năng vận hành đồng bộ, thông suốt và hiệu quả trên phạm vi cả nước, khu vực và thế giới.

Đối thoại - Tiền lương phải dựa vào quy luật thị trường (Hình 2).

                  Đại diện của doanh nghiệp đưa ra các giải pháp về lao động (Ảnh: baochinhphu).

Hiệu quả thể hiện ở thị trường lao động phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản về quyền của con người theo quy định của Hiến pháp; thị trường lao động phải điều tiết, phân bổ hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu thất nghiệp và bảo đảm việc làm bền vững; chính sách và thể chế thị trường lao động phải đồng bộ và đủ mạnh để tạo môi trường mở rộng, nâng cao chất lượng việc làm và năng suất lao động.

“Trong nền kinh tế thị trường, phải chấp nhận khi sức lao động được xem là hàng hoá, thì tiền lương là hình thái biến tướng của giá trị hay giá cả sức lao động. Thông qua tiền lương, giá trị và giá cả sức lao động biểu hiện như là hình thái giá trị và giá cả của lao động.

Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung - cầu về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị phát triển thị trường lao động, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đánh giá: “Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng".

Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường”.

Ông Công bày tỏ Việt Nam đang có mục tiêu và khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chìa khóa vàng để mở cánh cửa đầu tiên đến với mục tiêu này là nhanh chóng xây dựng lực lượng lao động chất lượng vàng, có năng suất cao, thu nhập cao.

 

 

 

Nguyễn Hoa Trà

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tien-luong-phai-dua-vao-quy-luat-thi-truong-a574039.html