Na là loại quả lành tính, thơm ngon bổ dưỡng, rất tốt cho người già và trẻ nhỏ, người ốm dậy cũng như phụ nữ sau sinh. Trong Đông y, quả na có vị ngọt, hơi chua, có tính ẩm với các tác dụng như chữa đái tháo đường, tiêu khát, nhọt vú...
Tuy nhiên, chuyên gia y tế cho biết hạt na là bộ phận rất độc, có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa nếu nuốt phải. Độc tố trong hạt na mạnh đến mức nếu không may dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc. Trong trường hợp sơ cứu, chữa trị sai cách, có thể gây viêm loét giác mạc, mù lòa vĩnh viễn.
Theo các chuyên gia y tế, độc tố trong 1 hạt na có thể giết chết một con côn trùng. Trong dân gian vẫn truyền tai nhau cách nhuộm răng, diệt chấy bằng hạt na. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo đây là cách làm nguy hiểm vì khi nhuộm răng rất dễ nuốt phải độc tố, còn khi nhuộm tóc độc tố dễ bị dính vào mắt. Mọi người không nên tùy tiện sử dụng hạt na, nếu dùng thì phải có hướng dẫn của người có chuyên môn.
Mặc dù hạt na rất độc nhưng trường hợp ngộ độc chỉ xảy ra khi hạt na đã bị dập nát. Do đó, bạn không cần lo lắng nếu vô tình nuốt nguyên hạt na khi ăn. Hạt na có lớp vỏ dày và cứng nên dạ dày sẽ không thể làm vỡ được, sau đó chúng sẽ thải ra ngoài theo phân.
Dù vậy, bạn vẫn nên cẩn thận khi ăn na vì nếu không may cắn dập hạt na thì sẽ rất nguy hiểm. Cha mẹ và người chăm sóc không nên để trẻ nhỏ tự ăn na, cần tách hạt ra khỏi thịt na ngay từ đầu để tránh trường hợp trẻ cắn và nuốt phải hạt na.
Một số lưu ý khác khi ăn na
Không ăn quá nhiều na
Na là loại quả ngọt, nhiều đường, nếu ăn nhiều sẽ gây nóng trong, dẫn đến táo bón, da nổi mụn. Tốt nhất bạn không nên ăn quá 2 quả na/ ngày.
Không ăn na còn ương
Các quả na chín nửa chừng đều có hàm lượng tannin cao, khi kết hợp với các loại thức ăn khác sẽ tạo ra một loại hợp chất loại trừ. Hệ tiêu hóa lúc này không thực hiện được nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, vô tình tạo ra một khối bã thức ăn tích tụ trong dạ dày gây đầy bụng, khó tiêu, đau bụng…
Đề phòng na có giòi
Na có tính ngọt, thường chín vào mùa mưa nên rất dễ có giòi. Quả chín không được bảo quản ngay và bảo quản đúng cách có thể khiến giòi sinh sôi. Với sắc tương đồng thịt na, nhiều người sẽ ăn cả giòi mà không hay biết.
Do đó, bạn lưu ý không ăn quả na có vảy trắng, nhiều vết nứt nẻ, tại vết nứt có dấu hiệu chảy nước. Những quả na này rất dễ bị côn trùng độc bò vào hoặc sinh giòi ở bên trong.
Ngoài ra, quả na có mắt thâm đen sì, vỏ cứng nhắc, vị đã ủng cũng dễ nhiễm khuẩn, gây ngộ độc nên bạn tốt nhất không nên ăn.
Người bị tiểu đường chú ý khi ăn
Quả na chứa nhiều đường nên nếu ăn nhiều thì sẽ khiến đường huyết tăng cao, về lâu dài bệnh tình càng nghiêm trọng hơn. Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn nên hạn chế ăn na, tốt hơn hết là không ăn.
Bên cạnh đó, người bị suy thận cũng không nên ăn nhiều na vì đây là thực phẩm giàu kali, không tốt cho người mắc bệnh cần ăn kiêng.
Đinh Kim
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/an-na-nho-phai-bo-di-bo-phan-cuc-doc-nay-keo-ruoc-hoa-vao-than-a574468.html