Kimchi là một món rau lên men, được ví như quốc thực của người Hàn Quốc, theo Asiana Airlines. Có nhiều công thức và hình thức kimchi, nhưng chủ yếu món ăn này sử dụng các loại rau như bắp cải, củ cải, dưa chuột, cà tím...
Hiện nay tại Hàn Quốc có khoảng hơn 100 loại kimchi khác nhau. Các loại phổ biến nhất mà du khách thường được phục vụ là baechu (cải thảo), kkakdugi (củ cải thái nhỏ) và oi sobagi (dưa chuột)... Những nguyên liệu này sẽ được cho vào cùng một chiếc lọ và chờ cho đến khi món ăn lên men. Sau đó, bạn có thể lấy chúng ra và thưởng thức ngon lành cùng với cơm trắng, các món nước hoặc súp. Ngoài việc là một món ăn rất ngon miệng, thì kim chi còn mang đến rất nhiều những lợi ích đối với sức khỏe và đó là lý do khiến bạn nên thử nó trong bữa ăn hàng ngày, nhưng nên với một liều lượng vừa phải, hợp lý. Bởi khi ăn nhiều sẽ gây hại sức khỏe.
Những tác hại không ngờ khi ăn nhiều kim chi
Tăng nguy cơ ung thư:Có nhiều người thích ăn kim chi khi nó chưa được lên men kỹ, không chua quá, vẫn còn vị hăng hăng, cay. Thực tế đây là nguồn cơn gây ung thư. Bởi trong kim chi muối xổi hàm lượng nitrat chuyển thành nitrit sẽ kết hợp với các acid amin trong thực phẩm thường ăn như thịt, tôm cá, nhất là mắm tôm và chuyển thành nitrosamin – một chất có khả năng gây ung thư dạ dày.
Nhức và đau nửa đầu: Kim chi chứa các amin sinh học được tạo ra trong quá trình lên men. Các amin được tạo ra từ việc một số vi khuẩn phá vỡ các axit amin trong thực phẩm lên men.
Những loại amin phổ biến nhất được tìm thấy trong thực phẩm giàu probiotic bao gồm histamine và tyramine. Tuy nhiên, với một số người nhạy cảm với histamine và các amin khác có thể bị đau đầu sau khi ăn thực phẩm này.
Nhiễm trùng từ men vi sinh: Men vi sinh nói chung an toàn cho đa số mọi người. Tuy nhiên, có một số trường hợp, nó có thể gây nhiễm trùng đặc biệt ở những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc bị tổn thương. Do đó, đối với những người này, cần hạn chế việc ăn kim chi.
Đầy hơi: Phản ứng phổ biến nhất đối với thực phẩm kim chi là tăng khí tạm thời và đầy hơi. Đây là kết quả của việc dư thừa khí sản sinh ra sau khi men vi sinh tiêu diệt vi khuẩn đường ruột và nấm có hại. Men vi sinh tiết ra các peptide kháng khuẩn tiêu diệt các sinh vật gây bệnh có hại như Salmonella và E. Coli.
Mặc dù đầy hơi sau khi ăn men vi sinh là một dấu hiệu tốt cho thấy vi khuẩn có hại đang bị loại bỏ khỏi ruột nhưng ở một số người, triệu chứng đầy hơi có thể nghiêm trọng hơn mức bình thường.
Một số mẹo nhỏ trong bảo quản kim chi
Nếu bạn mua món kim chi từ siêu thị về thì sau khi mở nắp, bạn nên bảo quản kim chi trong môi trường lạnh để món để kéo dài thời gian tươi ngon của món ăn.
Kim chi chứa nhiều vi khuẩn lên men vì thế để giữ cho món kim chi được lâu bạn nên bảo quản ở nhiệt độ không đổi dưới 4 độ C.
Bạn nên nén kim chi ngập dưới nước muối trước khi bỏ chúng vào trong tủ lạnh để giúp kim chi bảo quản được lâu hơn.
Hãy dùng đũa sạch, thìa sạch để lấy một lượng kim chi từ trong hũ ra và chỉ nên lấy một lượng vừa đủ. Nếu đũa hoặc dụng cụ nấu ăn không sạch tiếp xúc với hũ kim chi thì các vi khuẩn không mong muốn sẽ phát triển, dẫn tới làm hỏng món kim chi.
Bạn cũng không nên mở nắp hũ kim chi quá nhiều lần. Nếu kim chi tiếp xúc với không khí thì sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật cũng xâm nhập vào món kim chi dễ dàng hơn. Vì vậy, nếu bạn làm 1 hũ lớn kim chi, bạn có thể chia ra nhiều hộp nhỏ bảo quản trong tủ lạnh và dùng dần.
Trúc Chi
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mon-kim-chi-nhieu-nguoi-me-nhung-khong-may-ai-biet-tac-hai-khon-luong-a574488.html