Lão hóa là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với nhiều căn bệnh bao gồm ung thư, sa sút trí tuệ, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.
Hạn chế calo đã được chứng minh là một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa lão hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác.
Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận ra rằng, người nạp ít calo hơn đã thấy giảm đáng kể sự trao đổi chất trong cơ thể. Những người tham gia vào nghiên cứu này này cũng nhận thấy quá trình lão hóa chậm hơn và kéo dài tuổi thọ. Cụ thể nhận thấy nhiệt độ cơ thể thấp hơn, lượng đường trong máu và mức hormon insulin thấp hơn, đồng thời giảm đáng kể các hormon có tác dụng điều hòa sự trao đổi chất.
Khi nghiên cứu về tác động tới tế bào từ chế độ ăn hạn chế calo ở chuột, các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc cũng rút ra kết luận: Nếu bạn muốn giảm mức độ viêm trên cơ thể, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tuổi tác và sống lâu hơn, hãy ăn ít hơn.
Giáo sư Juan Carlos Izpisua Belmonte cho biết: “Mọi người đều biết rằng việc hạn chế calo làm tăng tuổi thọ, nhưng bây giờ chúng tôi đã ghi nhận những thay đổi xảy ra ở cấp độ tế bào đơn lẻ”.
Một nghiên cứu mang tên Aleries do các chuyên gia Đại học Tuffs, Boston (Mỹ) thực hiện trong vòng 2 năm cũng đã làm sáng tỏ vấn đề ăn ít sống lâu. Những người tham gia nghiên cứu đã giảm khẩu phần ăn (tính bằng calo) tới 25% trong suốt 8 tháng liền nhưng đảm bảo những thành phần chính trong bữa ăn. Kết quả, sức khỏe thể chất và tinh thần của họ ngày càng tốt lên và những người béo phì đã giảm được số cân rất đáng kể.
Tờ Independent của Anh mới đây đã đăng tải chi tiết một nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia ở Đại học London (UOL), chứng minh rằng khi cơ thể đói nhẹ thường có hệ miễn dịch tốt hơn, giúp kháng lại những điều kiện bất lợi của môi trường, hạn chế bệnh tật và lão hóa.
Hai nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard cũng đưa ra kết quả: giảm từ 15 - 20% lượng calo ăn vào có thể mỗi ngày giúp gia tăng cholesterol tốt và giảm nguy cơ tử vong vì ung thư, tim mạch, đột quỵ.
Một số lý giải việc giảm lượng calo đưa vào cơ thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và sống thọ hơn được các nhà khoa học đưa ra gồm:
Khi chúng ta tạo ra năng lượng, thì đồng thời cơ thể cung tạo ra các sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất và các sản phẩm phụ này được gọi là các gốc tự do. Các gốc tự do tích tụ trong cơ thể và gây ra thiệt hại cho các tế bào, mô cơ quan. Những tổn thương như vậy có thể khiến tế bào già đi nhanh hơn và góp phần gây ra các bệnh như ung thư, tiểu đường.
Ăn ít có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ. Người lớn (không béo phì) giảm khoảng 300 calo từ chế độ ăn uống của mình, có thể cải thiện huyết áp và các chỉ số khác, đồng thời có lợi cho việc kiểm soát cân nặng. Nếu bạn bắt đầu giảm thức ăn khi còn trẻ, bạn sẽ khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn.
Tuy nhiên ăn ít như thế nào mới đúng? Mặc dù không có tiêu chuẩn thống nhất, nhưng bạn nên ăn 70-80% khả năng mỗi bữa tùy theo tình trạng của bản thân. Ngoài ra, theo Aboluowang, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng.
Bạn nên tiêu thụ cân bằng các loại thực phẩm đa dạng mỗi ngày, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, sữa, đậu, cá, trứng, thịt, rau, trái cây, dầu và các loại hạt. Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm trong thời gian dài, bạn dễ bị suy dinh dưỡng, lão hóa nhanh và bệnh tật.
Về số bữa ăn, tốt hơn là bạn ăn 3 bữa một ngày và nên ăn đúng bữa. Nếu bạn chỉ ăn 2 bữa/ngày, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Bên cạnh đó cần chú ý vấn đề vệ sinh thực phẩm. Rau củ quả hư hỏng có thể phát sinh vi khuẩn hoặc chất độc không nhìn thấy được bằng mắt thường. Ngay cả khi loại chỗ thối rữa, phần còn lại chưa chắc đã an toàn và vệ sinh. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người chú ý vệ sinh thực phẩm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Minh Hoa
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/an-it-giup-khoe-manh-song-lau-a574567.html