Trách nhiệm pháp lý khi đứng tên công ty giùm người khác

Đôi khi vì những lý do nhất định nào đó, ví như sự hạn chế thành lập doanh nghiệp của pháp luật đối với một số đối tượng là cán bộ, công chức v.v...hoặc vì một lý do bất kỳ nào khác mà người chủ thực sự không thể đứng tên thành lập doanh nghiệp. Trong trường hợp này họ sẽ nghĩ đến phương án nhờ những người thân quen, bạn bè đứng tên giùm mình - là chủ doanh nghiệp dưới góc độ pháp lý.

Bài viết này muốn chia sẻ về những rủi ro pháp lý có thể xảy ra đối với những người đã đang và sẽ có ý định đứng tên doanh nghiệp giùm cho người khác.

Thứ nhất, việc nhờ người khác đứng tên giùm để đăng ký thành lập doanh nghiệp là hành vi gian dối trong hoạt động đăng ký kinh doanh. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Cụ thể: vi phạm quy định kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì trong những trường hợp phát hiện hồ sơ kê khai không trung thực, nội dung không chính xác, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng và đồng thời buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.

Thứ hai, bởi lẽ, chỉ là người đứng tên giùm, cho nên người đại diện theo pháp luật, người chủ sở hữu trên giấy tờ của doanh nghiệp không thể tự mình điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Mọi quyết định liên quan đến quá trình tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động, đối tác, trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác v.v...đều chịu sự chỉ đạo, điều hành của người chủ thực sự. Mặc dù vậy, các giấy tờ, văn bản liên quan đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp đều có chữ ký và đóng dấu của người được nhờ đứng tên và tất nhiên, dưới góc độ pháp lý họ phải chịu trách nhiệm về những hành động, quyết định của mình. Trong một vài trường hợp không may, chẳng hạn khi công ty như kinh doanh thua lỗ, trốn thuế hoặc có hoạt động lừa đảo, kinh doanh trái phép thì ngoài số tiền phạt rất lớn thì còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cho dù có chứng minh được mình chỉ là người đứng tên hộ thì cũng khó trách khỏi việc bị liên đới chịu trách nhiệm.

Lời khuyên: Những ai đã, đang và sẽ đứng tên giùm cho người khác trong một doanh nghiệp nên cực kỳ thận trọng và ý thức được về vai trò của mình. Suy cho cùng, mặc dù không có quyền quyết định nhưng hầu như mọi trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hoạt động thực tế của doanh nghiệp khi xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật thì người đầu tiên bị cơ quan pháp luật sờ gáy chính là các bạn!

Trên đây là bài viết tư vấn của Công ty Luật Nguyên Khang về những rủi ro pháp lý khi đứng tên giùm thành lập doanh nghiệp. Nội dung bài viết dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và chỉ mang tính chất tham khảo.

Nếu còn vướng mắc, cần hỗ trợ các dịch vụ pháp lý, anh/chị vui lòng liên hệ qua Email, Zalo hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!     

Luật sư Nguyễn Cao Đạt - Công ty Luật Nguyên Khang

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/trach-nhiem-phap-ly-khi-dung-ten-cong-ty-gium-nguoi-khac-a574786.html