Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, ghi nhận 62 trường hợp tử vong trong 8 tháng

Bộ Y tế cho biết tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận 165.844 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 62 trường hợp tử vong.

Theo báo An Ninh Thủ Đô, ngày 31/8, bộ Y tế có báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh trong tháng. Theo đó, bên cạnh dịch COVID-19, sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, thêm hàng chục nghìn ca mắc và nhiều ca tử vong.

Cụ thể, từ 19/7 đến 18/8, cả nước có 62.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 25 trường hợp tử vong. So với thống kê 1 tháng trước đó (từ 19/6 đến 18/7), số ca mắc tăng 12.600 ca. Đặc biệt, số ca tử vong tăng 17 ca, tức cao hơn gấp 3 lần. Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 165.844 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 62 trường hợp tử vong.

sot xuat huyet dang dien bien phuc tap ghi nhan 62 truong hop tu vong trong 8 thang Dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, thêm hàng chục nghìn ca mắc và nhiều ca tử vong. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

Tại một số bệnh viện, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng cũng đang gia tăng. Điển hình, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng so với đầu tháng 8/2022. Trong đó có gần 10 ca nặng, đã có ca tử vong là nam thanh niên trẻ tuổi sau khi chuyển từ viện này sang viện khác.

Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, nhiễm axit máu, suy thận… Trước tình hình nhiều người mắc sốt xuất huyết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo người dân tuyệt đối không nên tự ý điều trị và truyền dịch tại nhà, theo VietNamNet.

Các bác sĩ lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào (nhóm bù nước và điện giải hay nhóm cung cấp chất dinh dưỡng), theo cách ra sao cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu người bệnh còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc.

Khi truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục), nếu truyền nhiều dịch sẽ gây các biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ TS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Đặc điểm của bệnh là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Trong những ngày đầu, người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn, hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4, bệnh nhân nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Không ăn, uống được.

- Nôn nhiều.

- Đau bụng nhiều.

- Tay chân lạnh, ẩm.

- Mệt lả, bứt rứt.

- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.

- Không tiểu trên 6 giờ.

- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

- Khó thở.

 

Đinh Kim

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sot-xuat-huyet-dang-dien-bien-phuc-tap-ghi-nhan-62-truong-hop-tu-vong-trong-8-thang-a575086.html