Ngày 5/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 115/NQ-CP Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
Nghị quyết nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các bộ ngành, các cấp, các tổ chức quán triệt, triển khai, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
Để đạt được các mục tiêu, định hướng nêu trên các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch hành động triển khai, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.
Hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo không gian cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo quỹ đất ở vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu từ đất đai; hoàn thiện các quy định để quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đảm bảo yêu cầu minh bạch và không để thất thu thuế nhà nước.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, định mức, quy định về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích để bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai.
Thứ hai, về khoa học và công nghệ.
Đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, trong đó có dữ liệu về quy hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất, công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, về nguồn lực, bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất.
Thứ tư, về ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái.
Khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh trong đô thị và khu công nghiệp; quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Thúc đẩy, khuyến khích phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế rác thải liên vùng, liên tỉnh. Lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ ít phát thải trong thu hút các dự án có sử dụng đất với các khu vực nhạy cảm về môi trường.
Tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất, ô nhiễm đất.
Di dời các khu dân cư, các cơ sở sản xuất ra khỏi các vùng, khu vực có nguy cơ thiên tai, tai biến địa chất, sạt lở, sụt lún.
Thứ năm, về kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.
Thứ sáu, về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức.
Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-tron-thue-trong-chuyen-nhuong-quyen-su-dung-dat-a575444.html