Sinh năm 1972, từng công tác tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hiện nay chị Lê Thị Hồng Lam đang là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại một bệnh viện tư nhân ở TP. HCM.
Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Lê Hồng Lam chia sẻ quan điểm của chị về thói quen ăn uống để nâng cao sức khỏe, giảm bệnh cũng như hành trình chị đã trải nghiệm về sự thay đổi cân nặng và sức khỏe của chính mình khi thay đổi thói quen, hành vi trong việc ăn uống, sinh hoạt:
Là bác sĩ, thành thục trong việc kê đơn thuốc nhưng tôi từng bối rối khi không biết ăn uống thế nào cho khoa học, đưa vào những thứ mà cơ thể cần và hạn chế những thứ có hại. Tôi từng có những giai đoạn lơ là chăm sóc bản thân, ăn uống tùy tiện, tới khi sức khỏe sa sút, tinh thần mệt mỏi mới quay lại tìm hiểu và chăm lo, thay đổi.
Bác sĩ Lê Hồng Lam từng chỉ nặng 39kg nhưng lại mắc mỡ máu cao.
Trước đây, tôi thuộc tạng “người dây”. Đồng nghiệp cũ ở Bệnh viện Xanh Pôn từng luôn trêu: “Người vẫn đây nhưng hồn Lam nơi nao”, để chỉ dáng người xiêu vẹo, mặt lúc nào cũng thất thần vì mệt mỏi của tôi. Cao 1m62 nhưng cân nặng của tôi thường chỉ 46-47kg, thậm chí lúc gầy nhất chỉ còn 39kg.
Nghĩ mình gầy nên có thể ăn uống thoải mái, tôi cũng không chú trọng lắm tới việc lựa chọn thực phẩm, thường có gì ăn nấy, hoặc nhiều khi chỉ cần ăn ngon hoặc ăn no bụng là được. Vì công việc bận rộn, lại suy nghĩ “đã gầy quá rồi” nên tôi không tập luyện môn thể thao nào cả.
Nhưng rồi, tôi bất ngờ khi kiểm tra sức khỏe và có kết quả mỡ máu cao. Giai đoạn đó, cơ thể tôi cũng hay mệt, dễ đuối sức, tính khí hay cáu, nhanh nản. Tới khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, cân nặng của tôi bỗng tăng vù vù, lên tới 56kg. Cân tăng nhưng sức khỏe lại giảm.
2 năm trước, tôi có thêm một bước ngoặt là chuyển vào TP.HCM làm việc. Do điều kiện công tác, tôi phải sống một mình. Hồi đó, đúng dịp dịch COVID-19 căng thẳng, nhìn lại bản thân, tôi chợt nghĩ: “Mình cứ sống lay lắt thế này, nhỡ đâu có ngày chết queo cũng chẳng ai hay”.
Tôi quyết tâm phải thay đổi và “chữa bệnh” cho chính mình. Tôi tập luyện yoga, luyện thiền. Dù tâm an hơn, tinh thần cũng được vực dậy, nhưng cơ thể vẫn yếu ớt. Tôi quyết tâm phải giảm vài cân, không chỉ để đẹp mà quan trọng hơn là phải khỏe. Không phải khỏe như vận động viên hay so sánh với ai khác mà khỏe đẹp hơn chính bản thân mình (học cách để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình).
Với người lớn tuổi, nhất là phụ nữ, từ giai đoạn tiền mãn kinh, mỗi năm sẽ suy giảm lượng cơ (khoảng 200g) và tăng mỡ (khoảng 300g) ngay cả khi điều kiện ăn uống không đổi. Điều này dẫn tới tình trạng da xệ, cơ xương khớp lỏng lẻo. Thực tế, khi ăn uống một cách tùy tiện, nếu nạp quá mức cơ thể cần sẽ tích mỡ, còn thiếu sẽ không đủ chất để kiến tạo cấu trúc cơ thể.
Có sẵn kiến thức y khoa, tôi lên mạng tìm hiểu thêm về dinh dưỡng, đọc sách, nghe chuyên gia về chăm sóc sức khỏe chủ động chia sẻ, hướng dẫn. Tôi đã điều chỉnh lại các bữa ăn theo các nguyên tắc sau:
- Ăn 5-6 bữa/ngày, đủ các nhóm: đạm, chất béo, đường bột, xơ, vitamin, chất khoáng. Đặc biệt, luôn kiểm soát calo, đủ đạm (ưu tiên đạm thực vật) vì ở tuổi trung niên, khối lượng cơ có thể sẽ thiếu hụt nếu không bổ sung đủ đạm, dẫn đến sức bền giảm, xương khớp yếu, lão hóa nhanh, tâm trạng không tốt...
Những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng của bác sĩ Lam.
- Tập thể dục với những động tác dễ và phù hợp, có thể 3 lần/ tuần, thậm chí chỉ 5-10 phút như squat, leo núi... với mục đích tăng nhịp tim, tăng cường chuyển hóa và tinh thần vui vẻ. Khi hiểu rằng để có sức khỏe tốt và vóc dáng cân đối thì 80% phụ thuộc vào ăn uống nên việc tập trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Ngoài ăn, cũng cần chú ý tới uống. Chúng ta hiểu rằng cơ thể người trưởng thành 70% là nước, còn lại là cơ, xương và mỡ. Nước là dinh dưỡng số 1 của cơ thể nên cần biết nước quan trọng như thế nào và lượng nước cần thiết cho cơ thể mình. Lượng nước uống cho mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào cân nặng.
Ngoài việc uống thường xuyên trong ngày thì cũng cần biết những thời điểm vàng cần nước như ngay sau ngủ dậy, 30 phút trước khi ăn, trước khi tắm....
Áp dụng cách ăn đúng, uống đủ (thời gian đầu tôi tập trung vào chế độ dinh dưỡng nên chưa dành nhiều thời gian cho vận động), tôi giảm 1kg ngay tuần đầu tiên, sang tuần thứ 2 giảm thêm 1kg, và 2 tuần sau đó giảm tròn 3kg như mục tiêu. Không ăn kiêng, nhưng nhờ có kiến thức về ăn uống, ăn theo triết lý lành mạnh và cân bằng, tôi thấy mình thành công trong việc lựa chọn ăn theo cấp độ: “Ăn ngon nhưng phải khỏe đẹp, chậm lão hóa và phòng ngừa bệnh tật”.
Hiện tại, tôi duy trì mức cân nặng 53kg. Khi cơ thể đã về cân bằng, tôi tiếp tục điều chỉnh chế độ ăn và vận động hợp lý để đạt được mục tiêu “điêu khắc” cơ thể (eo nhỏ, các khối cơ săn chắc...). Điều quan trọng nhất là ngoài việc đạt mức cân nặng như ý, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt, ngủ tốt hơn và cơ thể khỏe hơn, không mệt mỏi. Hiện tại mỡ máu, các chỉ số sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường và không hề phải sử dụng thuốc điều trị.
Thực sự, tôi thấy rằng, chế độ dinh dưỡng cực kỳ quan trọng, không chỉ giúp đảm bảo năng lượng để sống, làm việc, mà còn góp phần điều chỉnh cấu trúc cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Đẹp tự nhiên thì có, nhưng tự nhiên đẹp thì không, vì đẹp mà chúng ta không biết gìn giữ thì cũng sẽ dần mất đi, do đó mỗi người trong chúng ta hãy luôn ý thức về sức khỏe và vóc dáng của mình.
“Thân cường thì bệnh nhược”, muốn đẹp trước hết phải khỏe, khi đó mọi bệnh tật cũng thoái lui. Ngoài giúp bản thân mình, tôi cũng đã chia sẻ, lan tỏa và giúp nhiều người thân và bạn bè khỏe hơn, đẹp hơn nhờ thay đổi thói quen ăn uống. Khi khỏe mạnh, tôi thấy mình tự tin, năng lượng và hạnh phúc.
PV (GHI)