Mạng xã hội những ngày vừa qua rầm rộ hình ảnh về một bữa ăn dành cho học sinh vùng cao tại Quảng Nam. Theo thông tin được chia sẻ, đây là hộp cơm của một em học sinh tại vùng cao ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), trong hộp chỉ có cơm trắng và một món thịt trông giống thịt chuột được chế biến sơ sài, không có rau hay các loại thịt cơ bản khác. Theo chia sẻ từ người đăng tải bức hình này, phần cơm do gia đình các em chuẩn bị và tranh thủ ăn vội lúc ở trường.
Hình ảnh này sau khi được chia sẻ gây sự chú ý đặc biệt trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người quan tâm sôi nổi bàn luận và để lại bình luận trái chiều về câu chuyện đằng sau tấm ảnh.
Câu chuyện và hình ảnh về bữa cơm trắng với thịt chuột của học sinh vùng cao Quảng Nam gây chú ý
Bên cạnh những thương xót cho hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng cao, bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng thì vẫn có không ít ý kiến hoài nghi về tính chân thực của hình ảnh này. Nhiều người cho rằng khung cảnh trong bức ảnh cho thấy cơ sở vật chất ở điểm trường này không hề khó khăn như các trường ở vùng cao, thậm chí còn “soi” cả móng tay được sơn đỏ của cô giáo.
Một số ý kiến bàn luận về hình ảnh bữa cơm của các em học sinh vùng cao tại Quảng Nam:
“Mình từng thấy học sinh mang cơm theo đi học, hầu hết chỉ là hộp cơm gạo rẫy nhà trồng, vài con ốc, ít rau bí, rau dớn, rau rừng. Nhưng các con luôn vui vẻ và cố gắng”.
“Đối với trẻ con vùng cao, chỉ cần có thịt (rừng) ăn vậy là ngon hơn bao đứa bạn khác rồi. Cái sơ sài ở đây chỉ có làm thịt chuột rừng lại để nguyên con như vậy mà không cắt ra cho gọn gàng, nấu lên sẽ dễ nhìn hơn là để nguyên con”.
“Cô giáo tự sơn móng thì không được sao. Cô giáo thì vẫn là phụ nữ thôi. Các giáo viên được cử từ dưới miền xuôi lên vùng cao để dạy mà. Nếu sử dụng hộp cơm để làm minh chứng cho việc vượt khó trong học tập của các cháu thì sao?”.
“Ai bảo trường miền núi phải nghèo, lụp xụp thì chắc 100% chưa từng lên miền núi Quảng Nam, chưa từng đặt chân lên trường học trên đây. Đồng bào nghèo lắm, nhưng trường học sạch đẹp khang trang được nhà nước xây dựng. Các em ở nội trú ăn uống thầy cô và phụ huynh gần trường nấu, sinh hoạt 5 ngày trên trường. Còn vài em mặc đẹp thì nhà các em khá giả hơn, con giáo viên hay cán bộ, ở gần xã trường”.
Ý kiến trái chiều xung quanh hình ảnh về bữa cơm thiếu thốn của học sinh vùng cao
Liên hệ với một người dân sống ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), người này cho biết bữa cơm trong hình trên thực tế vẫn xuất hiện ở các địa phương vùng cao tại Quảng Nam. Món thịt trong hộp cơm có thể là thịt chuột núi hoặc cúi núi (họ hàng với chuột), đây là món ăn khá phổ biến, thậm chí được xem như sản vật thiên nhiên ban tặng.
Cúi núi (có nơi gọi là con dúi, con cúi lúi) được người dân tại Quảng Nam bắt bán và dùng trong bữa ăn. Mỗi kg cúi núi có giá trên dưới 250.000 đồng. Thịt cúi núi thơm ngon, bổ dưỡng nên người dân thường giữ lại để ăn nhiều hơn bán.
Việc học sinh vùng cao ở Quảng Nam thường ăn cơm trắng với món thịt này không phải phổ biến tuyệt đối 100% mà tùy vào từng hoàn cảnh gia đình. Cuộc sống trên vùng cao cơ bản vẫn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là các nguồn cung cấp về thực phẩm không đa dạng, thịt cá đa phần săn bắt, nên những sản vật địa phương được người dân ưu tiên trong bữa ăn. Chính vì vậy nếu có học sinh mang món thịt này trong hộp cơm đến trường thì cũng là món ăn thông thường, chứ không thể nói là vì quá đói mà phải ăn.
Về cơ sở vật chất trường học, nhiều điểm trường đã được nhà nước hỗ trợ xây dựng khang trang để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có được môi trường dạy và học tốt nhất. Người này cho biết nhìn hình ảnh trong bức hình đang được quan tâm này có thể thuộc điểm trường ở Chà Val, thuộc trung tâm các xã vùng cao, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Trả lời phỏng vấn trên báo Lao Động, ông A Viết Sơn (Chủ tịch UBND huyện Nam Giang) khẳng định trên địa bàn huyện không có chuyện để học sinh đói ăn phải ăn thịt chuột như phản ánh vì các trường hiện đều có hỗ trợ tiền ăn cho học sinh, ăn theo chế độ và có ban quản lý giám sát. Tuy nhiên trong trường hợp gia đình không có điều kiện cho con học bán trú thì ông không dám khẳng định. Nếu đúng có hoàn cảnh khó khăn như vậy chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện giúp đỡ.
THÀNH GIANG