Nam sinh lớp 10 liệt nửa mặt vì trúng "khẩu nhãn oa tà"

Trong lúc vệ sinh chuẩn bị đi học sáng, nam sinh 15 tuổi hoang mang tột độ khi thấy dung mạo biến dạng do trúng "khẩu nhãn oa tà".

Sáng 14/9, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Tp.HCM cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị liệt mặt.

Bệnh nhân là N.V.A. (15 tuổi, Tp.HCM), nhập viện trong tình trạng hoang mang, lo lắng vì mặt bên trái bị liệt khiến miệng méo về bên phải, mắt trái không thể nhắm kín.

Khai thác bệnh sử, bác sĩ không ghi nhận chấn thương hoặc tình trạng sức khỏe bất thường. Trước khi nhập viện, nam sinh lớp 10 có một đêm ngủ ngon như bình thường. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy chuẩn bị đi học thì phát hiện điều bất thường trên khuôn mặt.

Gia đình tức tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán bị liệt dây thần kinh ngoại biên, dân gian gọi là "trúng gió".

Cụ thể, các bác sĩ ghi nhận nam sinh V.A. bị bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên (còn gọi là liệt mặt). Đây là tình trạng tổn thương dây thần kinh số VII. Trong y học cổ truyền, tình trạng này gọi là "khẩu nhãn oa tà" (miệng mắt méo lệch) nằm trong phạm vi chứng trúng phong.

Nam sinh này được điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp luyện tập chuyên sâu, xoa bóp, bấm huyệt và qua 1 tuần đã bình phục tốt, cơ mặt gần như trở lại bình thường.

TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho biết, nguyên nhân của bệnh lý trên có thể xuất phát từ việc nằm ngủ trong phòng máy lạnh để nhiệt độ quá thấp, bệnh nhân nhiễm vi-rút hoặc chấn thương vùng xương đá khiến cho dây thần kinh số VII phần ngoại biên bị phù nề, viêm nhiễm. Đối với những trường hợp có nguyên nhân khó như viêm tai giữa, chấn thương vùng đầu mặt cổ, khối u chèn ép, vi-rút người bệnh cần được phối hợp liên chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị.

Những bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh sọ não số VII thường có triệu chứng, mắt bên mặt bị liệt nhắm không kín, miệng méo sang bên lành, ăn uống rơi rớt, mất vị giác 2/3 trước lưỡi.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, ngoài yếu tố chấn thương hoặc nhiễm vi rút thì thời tiết thay đổi, hoặc thói quen tiếp xúc với yếu tố "lạnh" như ngủ phòng máy lạnh, tắm nước lạnh, tắm đêm thường gây nguy cơ liệt dây thần kinh số VII. Bệnh có thể gặp nhiều hơn trên các bệnh nhân có yếu tố như căng thẳng, stress. Do đó, cộng đồng cần chủ động tránh những nguy cơ trên để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

 

Minh Hoa

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nam-sinh-lop-10-liet-nua-mat-vi-trung-khau-nhan-oa-ta-a576078.html