\Xu hướng "kiểm tra cơ thể" và nỗi ám ảnh về vóc dáng
Những tuần gần đây, nhiều người dùng TikTok nhận thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc của những video theo xu hướng “kiểm tra cơ thể” (body checking) trên mục Dành cho bạn (For You Pages – FYP). Theo New York Post, xu hướng mới trên TikTok khuyến khích sự chú ý quá mức vào những vùng trên cơ thể mà ít ai để tâm đến, chủ yếu nhắm tới phụ nữ trẻ tuổi.
“Kiểm tra cơ thể” là hành động tìm kiếm sự trấn an và thông tin về kích thước, cân nặng cũng như ngoại hình của một người nào đó. Xu hướng này được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Một số khuyến khích người dùng TikTok tiết lộ cân nặng và tập trung vào vóc dáng của họ, trong khi số khác cho thấy hình ảnh người dùng làm nổi bật các vùng nhất định bằng cách sử dụng bộ lọc, quần áo rộng thùng thình.
Đa số video như vậy đều thu hút hàng triệu lượt xem kèm theo những bình luận phổ biến như “Tôi không còn đói nữa” hay “Tôi đã bỏ bữa tối”. Việc này dấy lên mối lo ngại về vai trò của TikTok trong việc duy trì và lan truyền nội dung về chứng biếng ăn và rối loạn ăn uống.
Mặc dù việc nhận thức về cơ thể là điều “tự nhiên” nhưng Melissa Wilton – người đứng đầu bộ phận truyền thông ở The Butterfly Foundation chia sẻ với news.com.au rằng việc “kiểm tra cơ thể có thể là hành vi đáng quan ngại nếu người đó trở nên ám ảnh hoặc bị cưỡng chế”.
Cô giải thích: “Dấu hiệu nhận biết là thường xuyên cân, ngắm nhìn ngoại hình trong gương hoặc qua các bề mặt phản chiếu như cửa sổ, véo các nếp nhăn trên da, dò tìm các xương hoặc kiểm tra kích thước của các bộ phận như cổ tay, eo và bắp đùi”.
“Kiểm tra cơ thể cũng có thể là vấn đề nếu nó cản trở khả năng hoạt động hàng ngày của con người, trở thành một cách để kiểm soát nỗi sợ hãi hoặc lo lắng, gây cô lập xã hội, mang đến cảm xúc tiêu cực hoặc dẫn tới các hành vi ăn uống rối loạn với mục đích cố gắng thay đổi cơ thể”, Melissa nói thêm.
Chứng rối loạn ăn uống
Devaney Sparrow, người có hơn 80.000 người theo dõi trên TikTok, đã hồi phục sau khi mắc chứng ăn uống rối loạn. “Ăn uống rối loạn luôn ẩn sâu trong tâm trí, chỉ chờ thời điểm hoàn hảo để xuất hiện. Những đoạn video như vậy chính là chất xúc tác tuyệt vời. Khi mọi người kiểm tra cơ thể, tiết lộ họ ăn ít ra sao hoặc thời gian và cường độ tập luyện cao, điều đó cực kỳ có hại”, Devaney chia sẻ.
Người dùng Tumblr vào những năm 2010 chắc còn nhớ, giữa những bức ảnh meme và ảnh nghệ thuật đen trắng, sự tán dương chứng ăn uống rối loạn, sự thịnh hành của nội dung về chứng biếng ăn, trào lưu về “khe hở đùi” – khoảng trống ở giữ hai đùi của một người khi đứng thẳng với hai bàn chân chạm vào nhau và xương quay xanh lan tràn trên nền tảng.
Tuy TikTok không cho phép các video khuyến khích hoặc tán tụng chứng rối loạn ăn uống nhưng bản chất của những nội dung như vậy là thường ẩn mình, được ngụy trang dưới dạng mẹo vặt, xu hướng chăm sóc sức khỏe để thúc đẩy “sống lành mạnh hơn”. Điều này có nghĩa thanh thiếu niên có thể tiếp cận với các nội dung đó mà không nhận ra mình đang đối mặt với nguy hiểm, do lỗ hổng của thuật toán.
Các video “kiểm tra cơ thể” trên nền tảng này thường không được gắn thẻ rõ ràng, do đó không thể tính được số lượng chính xác. Tuy nhiên, chỉ riêng những video có dòng tag #jawlinecheck, #smallwaist và #sideprofile đã thu hút hàng triệu lượt xem.
“Sự khác biệt chính là TikTok bí ẩn hơn nhiều so với Tumblr. Tất cả được ngụy trang dưới dạng khỏe mạnh, thật khó để phân biệt được đâu là cách chăm sóc sức khỏe và đâu là chứng rối loạn ăn uống”, Devaney đưa ra nhận xét.
Đồng ý với quan điểm của Devaney, Melissa thừa nhận rằng “trong khi trào lưu này chắc chắn phát triển từ các xu hướng “rối loạn ăn uống” trên Tumblr, xu hướng kiểm tra cơ thể vẫn có thể là một dấu hiệu cảnh báo về mối quan tâm quá mức tới hình ảnh cơ thể, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn”.
Cô cho biết thêm, nội dung các đoạn video cũng thường củng cố những lý tưởng về vẻ đẹp và ngoại hình khuôn mẫu không thể đạt được. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng trong xu hướng “kiểm tra cơ thể”.
“Khi trở nên phổ biến trên mạng xã hội, những video như vậy gửi đi thông điệp rằng ngoại hình của chúng ta là điều quý giá nhất. Chúng cũng có thể được sử dụng làm ‘nguồn cảm hứng’ về cơ thể hoặc kích động sự so sánh và xấu hổ giữa những người dùng, nếu vóc dáng của họ không được khen ngợi tích cực”, Melissa bày tỏ ý kiến.
Làm cách nào để thoát khỏi nỗi ám ảnh?
Trên thực tế, TikTok được biết đến nhiều nhất là nền tảng xã hội dành cho giới trẻ với khoảng 60% người dùng thuộc thế hệ Gen Z. Việc này khiến vấn đề bất cứ nội dung nào thúc đẩy chuyện ăn uống rối loạn trở nên đặc biệt đáng báo động.
Có vẻ không phải ngẫu nhiên mà số lượng thanh thiếu niên dành thời gian cho việc lướt mạng ngày càng tăng, theo đó, tỷ lệ bị rối loạn ăn uống cũng tăng theo. Được biết, khoảng 1 triệu người Australia đang sống chung với chứng rối loạn ăn uống, tương đương với 4% dân số.
Theo Melissa, phương tiện truyền thông xã hội là “cánh tay đắc lực” giúp những vấn đề này xuất hiện trực tuyến, 24/7. Các tổ chức truyền thông xã hội nên có trách nhiệm đảm bảm an toàn cho người dùng, bảo vệ họ khỏi những nội dung không hữu ích, có thể góp phần tạo nên hình ảnh cơ thể tiêu cực hoặc chứng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, để đảm bảo những xu hướng và vấn đề này biến mất khỏi cuộc sống đời thực, mọi người cần chống lại chúng trong xã hội rộng lớn hơn.
“Kỳ thị cân nặng, sợ béo, trêu chọc ngoại hình và văn hóa ăn kiêng đều đã tồn tại trước khi có mạng xã hội. Cho đến khi chúng ta nhận thức và chống lại những vấn đề này một cách rộng rãi, nhiều khả năng chúng ta vẫn tiếp tục thấy chúng trên nền tảng trực tuyến. Các cá nhân bắt buộc phải được trang bị các kỹ năng, hiểu biết về truyền thông xã hội mạnh mẽ để có thể điều hướng chúng một cách tích cực.
So sánh bản thân với các kiểu cơ thể lý tưởng và không thể đạt được trong những đoạn video như vậy khiến người xem cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ vì cơ thể họ không được như vậy. Việc thừa nhận phần lớn nội dung chia sẻ trên mạng xã hội là một ‘cuộn phim nổi bật’ được biên tập và sắp xếp cẩn thận, không phải mô tả chân thực về cuộc sống hàng ngày của ai đó có thể hữu ích”, Melissa nói.
Bên cạnh đó, cô đưa ra lời khuyên: “Nếu một người nhận thấy mình kiểm tra cơ thể thường xuyên hơn, không thể dừng hành vi đó, hoặc cảm thấy lo lắng về mối liên hệ với ngoại hình, thực phẩm hay việc tập luyện, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia ngay khi phát hiện có điều bất thường”.
Đinh Kim
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/moi-nguy-hai-cua-trao-luu-kiem-tra-co-the-tren-tiktok-a576586.html