Đề xuất giảm 50% thuế TTĐB, VAT với xăng dầu: Chấp nhận hụt thu ngân sách để “nâng cánh” nền kinh tế

Trước việc lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) của xăng, dầu, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này cần đánh đổi hụt thu ngân sách để “nâng cánh” cho cả nền kinh tế.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) của xăng, dầu. Theo đó, Bộ này đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Thời gian giảm thuế dự kiến trong 6 tháng từ lúc Nghị quyết có hiệu lực.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Lưu Bình Nhưỡng - ĐBQH khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng: Việc điều chỉnh giá xăng dầu là việc hết sức bình thường, phù hợp với nền kinh tế thị trường, quan trọng là ở Việt Nam thì việc điều hành, chính sách như thế nào là phù hợp trong giai đoạn này.

de xuat giam 50 thue ttdb vat voi xang dau can danh doi de nang canh nen kinh te 1                                                              Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, cả thế giới đang ở giai đoạn “tiền khủng hoảng” do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố xung đột giữa Nga và Ukraina, từ đó dẫn tới một vấn đề là nguồn hàng không ổn định, đương nhiên chính sách của nước ta cũng phải theo hiện thực đó, chứ không thể cứng nhắc được.

Khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng của xăng, dầu với thời gian 6 tháng, kéo theo nguy cơ tổng thu ngân sách dự kiến sụt giảm. Song, quan điểm của ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ngân sách nhà nước có thể giảm trong phạm vi của xăng dầu, còn vấn đề ngân sách nhà nước giảm hay không thì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Theo Phó Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, giảm cái này thì sẽ gia tăng ở chỗ khác, vì nó sẽ “nâng cánh” cho cả nền kinh tế. “Nếu chỉ nhìn vào sự sụt giảm đó thì chưa nói được hết tính toàn diện của vấn đề kinh tế vĩ mô, cho nên các nhà kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những nhà quản lý, điều hành kinh tế phải tính toán một cách chính xác và phải thông tin một cách công khai tránh gây tâm lý hoang mang trong xã hội”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Nhưng nhìn tổng thể, việc giảm thuế kịp thời vào thời điểm này là cần thiết để ổn định giá xăng dầu, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát.

“Trong thời điểm này, đề xuất của Bộ Tài chính đúng theo tình trạng, giá xăng dầu liên quan đến tầm quốc tế chứ không chỉ trong nội bộ Việt Nam. Như tôi phát biểu lúc đầu, chúng ta không thể giữ nguyên khi tình trạng của nó giảm. Việc tăng giảm lên xuống phải nhịp nhàng cùng toàn bộ hệ thống”, Phó Ban dân nguyện Quốc hội cho hay.

Cùng trao đổi về nội dung này, Thạc sỹ Tài chính, Luật gia Trần Quang Hòa (tỉnh Hòa Bình) nêu quan điểm: Theo thông tin tôi cập nhật thì từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu tại Việt Nam tăng cao, gây tác động đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.

anh 3 luat gia tran quang hoa                                                 Thạc sỹ Tài chính, Luật gia Trần Quang Hòa.

Việc này ảnh hưởng rõ rệt nhất đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Theo ý kiến của Thạc sỹ Tài chính Trần Quang Hòa, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, tất cả mọi người từ người giàu lẫn người nghèo vẫn phải dùng và đặc biệt sử dụng rất nhiều trong các xí nghiệp, nhà máy, đơn vị kinh doanh vận tải… do đó cần thiết giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

“Đây là thời điểm phải đánh đổi, chấp nhận hụt thu ngân sách để kéo giảm giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, Thạc sỹ Hòa phát biểu.

de xuat giam 50 thue ttdb vat voi xang dau can danh doi de nang canh nen kinh te             Người dân rất đồng tình với việc giảm thuế TTĐB và thuế VAT với mặt hàng xăng, dầu.

Cũng theo ghi nhận của PV, một chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu ở Đức Giang, Long Biên, Hà Nội chia sẻ, nếu Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) của xăng, dầu đi vào thực tiễn thì đây là điều hết sức vui mừng.

“Tất nhiên từ trước đến nay, số lượng người dân tiêu thụ xăng dầu ở đây vẫn duy trì, song nếu xăng dầu giảm thì đồng nghĩa với việc sẽ giảm một phần áp lực đối với mọi người. Theo đó, người dân và đặc biệt là các đơn vị vận tải cũng sẽ bớt một phần gánh nặng, khi đó họ chỉ tập trung vào sản xuất, kinh doanh”, Chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu ở Đức Giang cho hay.

 

Nguyễn Thị Thuý

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/de-xuat-giam-50-thue-ttdb-vat-voi-xang-dau-chap-nhan-hut-thu-ngan-sach-de-nang-canh-nen-kinh-te-a576953.html