Giá trị chục tỷ nhưng tiết kiệm chẳng đáng bao
Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu quốc gia cho thấy, chủ đầu tư có quan hệ với 29 nhà thầu; đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu của 18 dự án với tổng số 182 gói thầu.
Tổng giá trị theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ là: 89.312.987.281 đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là: 82.747.303.407 đồng.
Khi phóng viên lựa chọn nghiên cứu ngẫu nhiên 8 gói thầu năm 2020 thì thấy rằng, tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức rất thấp. 5/8 gói thầu được thực hiện khi chỉ có 1 nhà thầu tham gia dự thầu và trúng thầu. Tổng giá dự toán của 8 gói thầu này là 73.321.443.000 đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là 71.675.367.000 đồng. Điều này đồng nghĩa, sau quá trình đấu thầu hàng chục tỷ đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách chỉ đạt tỉ lệ là 0,9%.
Ở gói thầu Trang thiết bị có 4 nhà thầu tham gia dự thầu, trong đó, đơn vị trượt thầu là công ty Vũ Anh đã tham gia 960 gói thầu, nhưng chỉ trúng 121 gói, trượt 506 gói, 176 chưa có kết quả, 44 gói đã bị huỷ.
Gói thầu thi công xây dựng được phê duyệt theo Quyết định Số 622//QĐ, ngày 18/7/2020 có giá trị lớn là 2.356.000.000 đồng nhưng tỉ lệ tiết kiệm chỉ 0,6% và chỉ một nhà thầu tham gia dự thầu rồi trúng thầu.
Tương tự, gói thầu Mua sắm trang thiết bị hay Mua sắm trang thiết bị tối thiểu có giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng tỉ lệ tiết kiệm mà công ty Cổ phần trúng thầu chỉ loanh quanh mức 1%.
Bên cạnh đó, có những nhà thầu không trượt gói nào khi tham gia dự thầu. Đơn cử như nhà thầu chi nhánh công ty Cổ phần tư vấn tham gia 22 gói thầu (chủ yếu là các gói tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu), trong đó đã trúng thầu 22 gói; hay nhà thầu công ty Duy Thịnh có tham gia 15 gói thầu đã trúng thầu 15 gói (hầu hết là gói tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu).
Tỉ lệ tiết kiệm thấp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong đấu thầu
Liên quan đến vấn đề tỉ lệ tiết kiệm thấp trong các gói thầu, từng trao đổi với phóng viên, luật sư Mai Quốc Việt, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nhìn nhận: “Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Nếu tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu thấp, hiệu quả kinh tế không cao do phát sinh từ việc vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì đây là hành động cần lên án và phải bị xử lý.
Bởi lẽ, với việc dùng các thủ thuật để hạn chế nhà thầu tham gia, bỏ giá thấp, có các hành động cạnh tranh không lành mạnh thì những nhà thầu có kinh nghiệm, kỹ năng bị loại bỏ, giảm động lực cạnh tranh, đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, xã hội. Ngoài ra, tạo ra cơ chế quan liêu, nhũng nhiễu từ một số bộ phận và gây thiệt hại cho cơ quan, chủ đầu tư”.
Còn theo ý kiến luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự): “Tỉ lệ tiết kiệm rất thấp thì rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của luật Đấu thầu. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra quá trình lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này, để làm rõ nguyên nhân nào mà các gói thầu có dấu hiệu kém hiệu quả kinh tế”.
Đồng tình, luật sư Dương Văn Phúc (công ty Luật TNHH MTV FDVN) bình luận: “Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng tồn tại các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước”.
Dương Thu
Dương Thu