Đào công viên, vô tình phát hiện "kho báu vượt thời gian" 3.300 năm

Trong lúc làm việc, tài xế lái máy xúc đã vô tình phát hiện ra một hầm mộ mà các nhà khảo cổ học gọi là "viên nang thời gian".

"Viên nang thời gian" là cụm từ giới khảo cổ hay dùng để chỉ những phát hiện đặc biệt trong đó một phần của thế giới cổ đại được bảo lưu một cách nguyên vẹn, có trật tự y như những gì đã từng hiện hữu. Hang động tại Công viên Quốc gia Bãi biển Palmachim (Israel) là một ví dụ.

Theo đó, ngày 19/9, các nhà khảo cổ học Israel đã công bố phát hiện về một hang động từng là nơi chôn cất dưới thời pharaoh Rameses II của Ai Cập cổ đại (1279-1213 TCN).

Đời sống - Đào công viên, vô tình phát hiện 'kho báu vượt thời gian' 3.300 năm

Bên trong hang động có nhiều hiện vật bằng gốm. Ảnh: IAA

Hang động trên được phát hiện ở một bãi biển tại Công viên Quốc gia Bãi biển Palmachim, khi một tài xế lái máy xúc vô tình húc phải mái vòm hang. Các nhà khảo cổ học đã sử dụng thang để tiếp cận hang động. Theo mô tả, hang động có nền hình vuông, bên trong rộng rãi và có dấu vết về sự tác động của con người.

Tờ Heritage Daily dẫn lời Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết hầm mộ "vượt thời gian" này chứa đựng nhiều đồ tạo tác đặc sắc được đặt vào theo nghi thức cách đây 3.300 năm.

Nó được xây dựng công phu bằng cách khoét vào đá để tạo nên một hang động, nơi những người cổ đại đặt vào những đồ vật quý giá bằng gốm và đồng để phục vụ cuộc sống nơi thế giới bên kia của những người đã khuất.

Hang động tuy có dấu hiệu từng bị cướp phá nhưng các đồ tạo tác vẫn được sắp xếp tương đối trật tự y như ngày mà các nghi lễ an táng cổ đại diễn ra.

Đồ gốm cổ là một trong những dạng kho báu mà các nhà khoa học đặc biệt quý trọng, bởi chúng thường cung cấp rất nhiều thông tin chi tiết về kỹ thuật thủ công của người xưa, những nét văn hóa đặc trưng, thậm chí là những nghi lễ hay phong tục thú vị được thể hiện qua những nét chạm khắc hay cổ tự.

Đồ gốm trong hầm mộ này có nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau, bao gồm: chén bát - một số chiếc được sơn đỏ, một số đựng những mảnh xương, cùng nồi nấu ăn, hũ đựng, đèn và mũi tên đồng... Trong số đó, một số được nhập khẩu từ biển Lebanon, một số khác nhập từ Tyre, Sidon và các cảng cổ đại khác dọc theo bờ biển Lebanon và Israel - là bằng chứng cho hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi dọc bờ biển ở khu vực. Như vậy, những món đồ tạo tác bằng gốm còn đại diện cho một lát cắt của nền thương nghiệp cổ đại.

"Những thứ trong hang động có niên đại từ thế kỷ 13 trước Công Nguyên, tức cuối thời đại đồ đồng IIB. Vào thời kỳ này, trong triều đại Ai Cập thứ 19, Pharaoh Rameses II thống lĩnh đế chế Ai Cập đã kiểm soát Canaan (vùng đất gần như bao gồm Israel và Palestine ngày nay), cung cấp các điều kiện an toàn cho thương mại quốc tế", Tiến sĩ Eli Yannai từ IAA cho biết.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy hài cốt người đựng trong 2 ô hình chữ nhật ở góc hang. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, số đồ tùy táng trong hang có thể còn nhiều hơn trước khi nó bị những kẻ trộm mộ “ghé thăm”.  Tuy nhiên, thời điểm cướp mộ có thể đã cách xa hàng thế kỷ, sau đó hang động được niêm phong và bình yên suốt các thời kỳ gần đây. Đó là cơ hội tốt để các nhà khoa học áp dụng các phương pháp hiện đại để trích xuất nhiều thông tin từ các đồ tạo tác cũng như từ vật liệu hữu cơ còn sót lại.

Đánh giá chung, IAA cho rằng hầm mộ vẫn đủ sức cung cấp một bức tranh vượt thời gian, hoàn chỉnh về phong tục, nghi lễ của thời đại đồ đồng muộn. Hiện hang động đang được niêm phong trong khi nhà chức trách lên kế hoạch khai quật.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, TTXVN)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dao-cong-vien-vo-tinh-phat-hien-kho-bau-vuot-thoi-gian-3300-nam-a577093.html