Bão số 4: Bão chưa vào, lốc xoáy, gió rít kinh hoàng gây tốc mái nhà hàng loạt ở Quảng Trị

Bão số 4 Noru chưa vào nhưng một trận lốc xoáy trước bão đã khiến nhiều nhà bị tốc mái, cây cối đổ la liệt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị).

* Tiếp tục cập nhật

Lốc xoáy, gió rít kinh hoàng gây tốc mái nhà hàng loạt ở Quảng Trị

Khoảng hơn 15h chiều nay (27/9), một trận lốc xoáy kinh hoàng đã xảy ra tại chợ Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).

Một số người dân thị trấn Cửa Việt thông tin, trước giờ chưa thấy lốc xoáy nào khủng khiếp đến thế. Cơn lốc quét qua khiến nhiều nhà cửa tốc mái, xơ xác, đổ vỡ.

Một ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn sau trận lốc xoáy ở chợ Cửa Việt. Ảnh: Tôi người Gio Linh

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Lộc - Chánh Văn phòng huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) xác nhận, trên địa huyện vừa xảy ra một trậnụ lốc xoáy.

Vụ việc khiến một ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Bên cạnh đó, nhiều nhà, hàng quán khác bị tốc mái; cây cối bị quật đổ hàng loạt.

“Đây là trận lốc xoáy trước bão chứ bão chưa vào. Vụ việc không gây thiệt hại về người, có 2 người bị thương được đưa đi trạm xá cấp cứu. Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục.

Hiện địa bàn đang có mưa lớn nhiều nơi, chúng tôi đang tập trung công tác thống kê thiệt hại, tập trung lực lượng dọn dẹp”, ông Lộc cho hay.

Nhiều ngôi nhà khác bị tốc mái khi cơn lốc quét qua. Ảnh: Tôi người Gio Linh

Cánh cửa nhà dân cũng bị đánh bật bởi sức mạnh của cơn lốc. Ảnh: Hoàng Văn Quốc

  Nhiều cây xanh bị quật ngã. Ảnh: Hoàng Văn Quốc

 Cành cây vương la liệt trên đường ảnh hưởng đến giao thông. Ảnh: Tôi người Gio Linh

Bão số 4 sắp đổ bộ Đà Nẵng-Quảng Ngãi, “cuồng phong” trút xuống trong đêm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ tối nay (27/9), bão số 4 Noru đang ở cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8...

Trong 3 giờ (từ 14h đến 17h), khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Vĩnh Kim 125,8mm (Quảng Trị), Nam Đông 82,2mm (Thừa Thiên Huế), Suối Đa 71,4mm (Thành phố Đà Nẵng) … Trong 6 giờ tới, khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 40-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần.

Đến 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, di chuyển sang Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Trên đất liền, từ đêm 27/9, do ảnh hưởng của bão số 4, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Từ đêm 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Sức tàn phá của bão số 4 Noru có thể cao hơn bão Xangsane năm 2006

Sáng nay (27/9), tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 Noru, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam cho hay, hiện bão Noru mạnh lên đầu cấp 15, tăng 3 cấp so với ngày hôm qua.

Biển động dữ dội trên đảo Lý Sơn. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Hồi 10h sáng nay, bão còn đang cách Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng hơn 310km về phía Đông. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh (vận tốc 20-25km/h), hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 300 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 100 km xung quanh mắt bão.

Theo ông Thái, các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 4 có cường độ trên cấp 13, giật cấp 17 khi vào gần bờ biển miền Trung. Dự báo bão số 4 có thể mạnh thêm trong 12 giờ tới, cấp 14-15, giật trên cấp 17. Khi đổ bộ, gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Bắc Tây Nguyên từ khoảng tối nay 27/9.

Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc

“Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam”, ông Thái thông tin.

Khoảng đêm nay đến sáng 28/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 12-13, sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 6-8 m.

Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng tổng cộng 3-4 m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

Trên đất liền, phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 này rất rộng; 9/14 tỉnh, thành phố miền Trung, chịu ảnh hưởng trực tiếp; trong đó Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh, thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.

Từ tối và đêm nay, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay đến sáng ngày mai 28/9.

Dự báo, từ ngày 27-28/9, bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây Nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400 mm, gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt.

Lý Sơn đang mưa to, gió lớn, dân đóng kín cửa

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Giao thông lúc 12h ngày 27/9, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết, dù bão số 4 còn cách xa đất liền song, ảnh hưởng của bão số 4 nên vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Lý Sơn) đã có gió mạnh cấp 8-9 và sẽ tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 6-10m, biển động dữ dội trong vài giờ tới.

Hình ảnh thời tiết ở Lý Sơn lúc 12h trưa nay

Đối với vùng ven biển và đất liền cảnh báo gió mạnh từ chiều nay (27/9), khu vực ven biển Quảng Ngãi, nhất là các huyện phía bắc tỉnh có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10; sau tăng lên cấp 11 - 13, giật cấp 14 - 15.

Từ đêm nay, 27/9, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8 sau tăng lên cấp 9 - 10; giật cấp 12 - 13.

Tại huyện đảo Lý Sơn, nguồn tin của Báo Giao thông xác nhận: Hiện gió đang rất mạnh, trời giăng mây tối sầm và mưa rất to. Biển động dữ dội và có sóng cao từ 2-3,5m tại một số vị trí. Đa phần người dân trên đảo đã đóng kín cửa và ở trong nhà, không một ai bước ra đường.

Hệ thống điện sinh hoạt vẫn ổn định. Bước đầu, nguồn tin cho biết đã có một số biển quảng cáo, pa nô, áp phích bị hư hỏng, cây cối gãy đổ do gió lớn gây ra.

Quảng Nam bắt đầu mưa lớn

Lúc 13h ngày 27/9, tại Quảng Nam bắt đầu có mưa lớn. Ghi nhận dọc tuyến QL1 dù chưa có vị trí nào ngập nhưng thưa thớt phương tiện qua lại.

Cùng ngày, Chi cục QLĐB III.1 đã chỉ đạo các lực lượng tuần tra các tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông để kịp thời xử lý các sự cố về giao thông.

Miền Trung: Bắt đầu đưa dân đi sơ tán tránh bão Noru và áp dụng khung giờ giới nghiêm

Sáng 27-9, chính quyền TP Tam Kỳ và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai các phương tiện đưa đón người dân vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn để phòng tránh bão số 4.

Tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ), từ khoảng 6 giờ 30 phút ngày 27-9, rất nhiều người dân tay xách nách mang tập trung tại các khu nhà văn hóa để được đưa lên xe buýt đi di tản. Chính quyền địa phương điều động các lực lượng vũ trang gồm công an, cơ quan quân sự, dân quân, bộ đội biên phòng giúp đỡ người dân.

Lúc 7 giờ sáng cùng ngày, 2 chuyến xe đầu tiên đã đưa hàng chục bà con ở thôn đến các khu tập trung phòng tránh bão. Hình ảnh các cụ già, các em nhỏ được lực lượng chức năng hỗ trợ, bồng bế lên xe thật sự xúc động.

Có mặt chỉ đạo công tác sơ tán, di dời dân tránh bão, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết trước tình hình bão số 4 được dự báo hết sức phức tạp, 2 ngày qua, TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa. Trong ngày hôm qua (26-9), TP đã triển khai xen ghép hơn 1.750 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu.

Trong sáng 27-9, địa phương tập trung sơ tán người dân xã Tam Thanh, địa bàn sát biển với số lượng khoảng 459 hộ, hơn 1.600 khẩu tập trung về các địa điểm xen ghép trên địa bàn gồm cơ quan BĐBP, Trường CĐ Y tế Quảng Nam…

Theo số liệu tổng hợp các địa phương tại tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ sáng 27-9, tổng số dự kiến di dời là 45.834 hộ/155.269 người. Trong đó, sơ tán tập trung 18.388 hộ, 67.481 khẩu; sơ tán xen ghép 27.466 hộ, 87.841 khẩu. Tại cuộc họp chiều tối 26-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải triển khai di dời dân xong trước 9 giờ sáng 27-9.

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, chia sẻ thông tin với báo chí

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên khu vực Hoàng Sa vẫn còn 9 tàu/100 lao động của tỉnh Quảng Nam đang di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển rất chậm (từ 1-2 hải lý/giờ). Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với gia đình và địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại, vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn.

Một số hình ảnh do Báo Người Lao Động ghi lại:

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, chia sẻ thông tin với báo chí

Từ sáng sớm, rất nhiều người dân tập trung tại các nhà văn hóa để được đưa đi sơ tán

Tay xách nách mang chạy bão

Tay xách nách mang chạy bão

Lực lượng chức năng giúp người dân đi lánh bão

Một em nhỏ được công an bồng lên xe

Trên gương mặt người dân đều khá lo âu

Trên gương mặt người dân đều khá lo âu

Trên gương mặt người dân đều khá lo âu

Hình ảnh các em nhỏ theo ba mẹ đi lánh bão

Hình ảnh các em nhỏ theo ba mẹ đi lánh bão

Xe buýt lăn bánh đưa bà con đi chạy bão

Bão số 4 Noru tiếp tục mạnh thêm, mưa lớn mở rộng ra cả miền Bắc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 6 giờ sáng nay (27/9), bão số 4 Noru đang ở trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão tiếp tục mạnh lên 2 cấp so với hôm qua, lên cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm.

Lúc 7h ngày 27/9, vị trí tâm bão khoảng 15.5 độ Vĩ Bắc; 112.1 độ Kinh Đông.

Đến 16 giờ ngày 27/9, bão ở cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km.

Đến 4 giờ ngày 28/9, tâm bão số 4 Noru ở trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Từ sáng nay (27/9), vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.

Từ chiều 27/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,0-1,5m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2,0-2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.

TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai nhấn mạnh: “Mắt bão đã rõ. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16. Vận tốc gió giật tối đa 165km/h. Bão sẽ tiếp tục mạnh lên trong vòng 12h tới đây với vận tốc gió đều có thể lên đến 150km/h, gió giật 195km/h". Tâm bão và vùng gió siêu lớn đi vào đất liền các tỉnh trên từ 7h sáng ngày 28/9. Tuy nhiên, từ đêm 27/9 đã có gió giật, sóng cồn. 

Người dân Đà Nẵng đổ ra chợ, siêu thị mua đồ trước bão

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thống nhất, từ 12 giờ trưa mai (27/9), sẽ dừng họp chợ trên địa bàn. Ghi nhận của PV Tiền Phong tại các chợ trên địa bàn, lượng người đi chợ đông đúc từ sáng đến chiều.

Tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu), các quầy rau, củ, quả hút khách nhất. Theo các tiểu thương, từ sáng sớm đến đầu giờ chiều không khi nào ngớt khách.

Bán chạy nhất là các loại rau xanh do người dân sợ mưa bão, và ngày nữa sẽ không có rau, giá đắt.

Chị Nguyễn Thị Xí (tiểu thương) cho hay, hôm nay chị đã lấy hàng nhiều hơn ngày thường và bán rất chạy. “Bình thường sau 11h là khách ngớt rồi, hôm nay người ta mua liên tục. Tâm lý ai cũng sợ mưa bão đi lại khó khăn nên mua về trữ”, chị nói.

Bà Oanh (tiểu thương) cũng nhập hàng về nhiều hơn hẳn và gần như người dân mua không lựa chọn, có gì mua nấy.

Người dân mua hàng không cần mặc cả giá.

Các quầy tôm, cá... cũng sớm bán hết hàng.

Trong khi đó, tại chợ Cẩm Lệ, các mặt hàng thực phẩm đắt khách. Tiểu thương cho hay khách rất đông nhưng không hề tăng giá.

Trong chiều nay (26/9), Đà Nẵng bắt đầu cho học sinh trên toàn địa bàn nghỉ học để phòng chống bão nên các gia đình tranh thủ đi chợ để sẵn sàng thực phẩm trong những ngày tới.

Người dân mua nhiều thực phẩm để dành những ngày mưa bão.

Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Coop Mart Đà Nẵng cho hay lượng khách bắt đầu tăng cao từ thứ 7 tuần trước, riêng hôm nay đã tăng gấp đôi. Khách hàng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống và đồ ăn liền như mì gói, phở gói, sữa….

Khách hàng tấp nập, chờ thanh toán trong siêu thị. Siêu thị vẫn đang bán hàng bình ổn giá và sẽ yêu cầu kho cung ứng nguồn hàng dồi dào hơn để phục vụ người dân trong những ngày mưa bão sắp tới.

Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay các siêu thị, đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm, các chợ…. có tổng lượng hàng hoá dự trữ phòng chống thiên tai hơn 82 tỷ đồng, trong đó có hơn 56.000 thùng mì ăn liền, hơn 2.700 tấn gạo và hơn 800 tấn các mặt hàng lương thực thực phẩm khác….

Tạm dừng khai thác 5 sân bay

Tối 26/9, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Trung đã ra quyết định tạm dừng khai thác các Cảng hàng không khu vực miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru).

Theo đó, tạm dừng khai thác Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng hàng không Pleiku, Cảng hàng không Phù Cát và Cảng hàng không Chu Lai từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến 11h59 ngày 28/9/2022 (giờ địa phương).

Nhiều sân bay ở miền Trung phải tạm ngừng khai thác để ứng phó bão số 4. Ảnh minh họa TPO

Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh hưởng của bão.

Một số chuyến bay khác chịu ảnh hưởng dây chuyền. Hành khách trên các chuyến bay chịu ảnh hưởng được hỗ trợ theo chính sách dịch vụ của hãng.

H.A

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bao-so-4-bao-chua-vao-loc-xoay-gio-rit-kinh-hoang-gay-toc-mai-nha-hang-loat-o-quang-tri-a577100.html