Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) - một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại Tp. Đà Nẵng, trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
Thủ tướng cho biết cuộc họp nhanh nhằm đánh giá và dự báo tình hình, khắc phục hậu quả do bão gây ra và ứng phó mưa lũ, thiên tai có thể tiếp diễn sau bão và nhằm nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần người dân.
Cảnh báo mưa lớn lan rộng sau bão Noru
Cung cấp thông tin dự báo thiên tai sau bão, đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đến sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần; từ trưa và chiều ngày 28/9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Từ ngày 28/9 đến ngày 30/9, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa dự báo Quảng Bình, Hà Tĩnh 200-250 mmn, có nơi trên 350 mm; Nghệ An, Thanh Hóa 150-200 mm, có nơi trên 300 mm; khu vực khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình 100-150 mm.
Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).
Từ ngày 28-30/9, trên các sông ở Bắc Trung Bộ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã, cả lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Không có người thiệt mạng là điều đáng mừng
Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đến thời điểm này, chưa có người thiệt mạng do bão là điều đáng mừng.
Hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị kỹ lưỡng Điều quan trọng nữa, theo Phó Thủ tướng, là sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Thủ tướng, của cấp uỷ, chính quyền. "Đến 5h chiều, không còn bóng người ngoài đường", Phó Thủ tướng nói và nhắc lại, trước đây, nhiều vụ tai nạn do đi đường bị cây đổ, ngã xuống sông, nhà tốc mái.
Nhấn mạnh sự đùm bọc trong nhân dân góp phần vào kết quả phòng, chống bão, Phó Thủ tướng cho biết, sáng nay ông và đoàn công tác đi khảo sát một số khu vực tại Thừa Thiên Huế thì thấy sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của bà con, "người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh".
Sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa và ý thức chấp hành của người dân là yếu tố quyết định đến kết quả phòng, chống bão.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp đầy đủ thiệt hại do bão gây ra, báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm khắc phục hậu quả của bão. Đặc biệt, ngay sau cuộc họp, một số công trình như điện, trường học, nhà dân bị tốc mái cần khẩn trương được khôi phục.
Lưu ý tránh tâm lý chủ quan sau bão, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các khu vực nguy hiểm như đập tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại khu vực này.
Thiệt hại ban đầu
Thay mặt Ban Chỉ đạo tiền phương báo cáo về những thiệt hại do bão Noru gây ra tại miền Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết bão khiến 4 người bị thương, làm sập 3 căn nhà, 157 nhà bị tốc mái. Quảng Trị là nơi ghi nhận các thiệt hại này do hứng chịu trận lốc xoáy chiều 27/9. Ngoài ra, 3 ghe nhỏ ở Đà Nẵng - Quảng Nam bị chìm.
Về điện lực, gần 9.500 trạm biến áp bị sự cố mất điện, tập trung ở Quảng Nam và Đà Nẵng; đồng thời 15 xã bị mất điện. Hiện, đơn vị liên quan đã khắc phục 535 trạm biến áp.
Gió bão mạnh cũng làm đổ một trụ anten ở Trung tâm truyền thông Tp.Hội An; hư hỏng hai đồn biên phòng ở Quảng Nam; làm gãy đổ trên 500 cây xanh. Con số thiệt hại vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
Nguyễn Thu Huyền
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thu-tuong-chu-tri-hop-danh-gia-tinh-hinh-khac-phuc-thiet-hai-do-bao-noru-a577243.html