Vì sao trẻ em Nhật Bản 6 tuổi đã tự đi đến trường không cần đưa đón?

Ở Việt Nam, đa số học sinh tiểu học đều được đưa đón đến trường nhưng ở Nhật thì các em phải tự đi bộ. Vì sao cha mẹ Nhật dám cho con trẻ tự đi một mình như vậy?

Việc để trẻ tự đến trường là rất bình thường ở Nhật Bản. Điều này đã trở thành một đặc trưng trong cách nuôi dạy con của người dân xứ sở mặt trời mọc.

Tại đây, không khó để bắt gặp cảnh những đứa trẻ mặc đồng phục chỉnh tề, đội mũ lưỡi trai đi một mình hoặc theo nhóm tới trường mà không có người lớn đi cùng, em nhỏ nhất chỉ khoảng 6, 7 tuổi.

Cho con tự ra ngoài khi mới 2-3 tuổi

Đời sống - Vì sao trẻ em Nhật Bản 6 tuổi đã tự đi đến trường không cần đưa đón?

Vì sao cha mẹ Nhật dám liều mình cho con trẻ tự đi một mình như vậy? Câu trả lời là trẻ em Nhật Bản đã được chuẩn bị từ khi chúng mới 2-3 tuổi. Thực tế, việc để trẻ tự đi bộ đến trường là những bước đầu tiên đơn giản nhưng lại rất quan trọng để bố mẹ Nhật dạy trẻ kỹ năng tự lập suốt đời.

Một chương trình truyền hình thực tế ở Nhật mang tên Hajimete no Otsukai hay My First Errand (tạm dịch là "Việc vặt đầu tiên của bé") quay cảnh các em bé Nhật lần đầu tiên được cha mẹ giao nhiệm vụ ra ngoài đã phát sóng suốt 25 năm qua.

Theo đó, cha mẹ Nhật sẽ giao cho con nhỏ (2-3 tuổi) ra ngoài mua rau hoặc mua bánh. Hành trình của các bé được camera bí mật ghi lại.

Bé Kaito, 12 tuổi, sống ở Tokyo đã tự bắt tàu điện ngầm đi học từ khi mới 9 tuổi. “Lúc mới đầu cháu cũng hơi lo lắng và tự hỏi liệu mình có tự bắt tàu điện đi học được hay không”, bé chia sẻ.

Giờ thì Kaito đã có thể tự tin đi học một mình. Bố mẹ Kaito lúc đầu cũng e ngại, nhưng rồi họ quyết định cho con tự đi vì nghĩ rằng con đã đủ lớn và rất nhiều đứa trẻ khác đều tự đến trường an toàn.

“Tôi cũng tự bắt tàu điện đi học ở Tokyo từ khi tôi còn nhỏ tuổi hơn Kaito. Lúc đó chưa có điện thoại di động như bây giờ nhưng tôi vẫn tự xác định được điểm đến, điểm dừng của tàu. Giờ đã có di động, nếu con bị lạc, con có thể gọi cho cha mẹ”, mẹ kế của Kaito chia sẻ.

Tương tự, vào năm 2015, đài truyền hình SBS của Úc đã thực hiện bộ phim tài liệu nhỏ có tên Japan Independent kids (Những đứa trẻ độc lập của Nhật Bản). Bằng cách so sánh việc đi học của trẻ em từ hai gia đình ở Úc và Nhật Bản, các nhà làm phim phát hiện ra các đặc điểm về tính tự lập của trẻ em ở các quốc gia khác nhau.

Mở đầu bộ phim kể về một gia đình Nhật Bản 3 người, cha mẹ và một cô con gái 7 tuổi tên là NoeAndo. Từ lúc thức dậy, Noe đã tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và chải tóc. Ăn sáng xong, cô bé ra ga tàu điện ngầm và bắt xe điện đến trường. Trạm dừng gần trường mà cô bé cần xuống là ga Shinjuku, một trong những ga tàu điện ngầm đông đúc nhất và chở nhiều khách nhất trên thế giới, đặc biệt là vào giờ cao điểm buổi sáng.

Dù vậy mẹ của Noe Ando không quá lo lắng và có quan điểm riêng về việc này: "Nếu bố mẹ luôn ở đó, con bé sẽ không bao giờ học được cách tự giải quyết vấn đề. Nếu con bị lạc hoặc lên nhầm xe, con sẽ phải tự tìm cách. Nếu không thể tìm ra, con sẽ không thể về nhà".

Trong khi đó, gia đình Fraser đến từ Úc có cô con gái 10 tuổi Emily vẫn cần bố giúp buộc tóc mỗi ngày. Sau đó được chở đến trường bằng ô tô. Khi biết ở Nhật Bản có những em nhỏ hơn mình 4 tuổi có thể tự đi học, Emily rất ngạc nhiên và nghĩ "điều đó thật tuyệt". Cô bé cũng cho biết sẽ cố gắng tự đi bộ từ trường về nhà, nhưng chỉ hy vọng sẽ làm được điều đó khi cô bé lên trung học.

Tạo dựng một cộng đồng an toàn

Điều gì đã tạo nên tính độc lập đáng ngưỡng mộ cho những đứa trẻ Nhật? Tiến sĩ nhân văn học Dwayne Dixon, người có thời gian dài nghiên cứu về nền giáo dục Nhật Bản, cho biết, những đứa trẻ Nhật không tự nhiên mà lanh lợi như vậy. Chúng đã được dạy cả ở gia đình và nhà trường để có thể sống độc lập.

“Trẻ Nhật được học cách sống độc lập từ rất sớm, và chúng biết rằng khi chúng gặp khó khăn chúng có thể nhờ sự giúp đỡ của bất cứ ai trong cộng đồng”, Tiến sĩ Dixon lý giải.

Trẻ em Nhật Bản sẽ có xu hướng tìm đến người lạ, đặc biệt là người lớn tuổi, để được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Trong khi đó trẻ em ở các quốc gia khác, bao gồm cả Úc, hoàn toàn ngược lại. Trẻ thường được dạy không nói chuyện với người lạ trên đường đến trường và phải luôn cảnh giác.

Tiến sĩ Dixon giải thích: "Nền giáo dục Nhật Bản rất đặc biệt. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được thấm nhuần quan niệm tập thể: hướng về người khác và phục vụ người khác. Quan niệm này cho phép chúng hướng về người lạ một cách an toàn".

Giả thuyết này được củng cố bởi những gì diễn ra trong trường học ở Nhật. Trẻ em luân phiên thay nhau dọn dẹp, phục vụ bữa trưa tại trường chứ không có người phục vụ.

“Lao động được phân phối đều cho tất cả mọi người, trẻ được đóng nhiều vai, thực hiện nhiều công việc khác nhau, đương nhiên chúng sẽ được dạy làm sao để làm những công việc đó”, Tiến sĩ Dixon nói thêm.

Nếu tiếp tục đi sâu giải mã nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong hành vi của trẻ em, từ khóa chính là "sự tin tưởng xã hội". Nhật Bản đã tạo ra cảm giác tin tưởng này, từ đó có thể làm cho các bậc cha mẹ cảm thấy thoải mái với việc cho con cái tiếp xúc với xã hội xung quanh.

Trước hết, ở Nhật Bản, việc thành lập các trường tiểu học được phân chia theo mật độ dân số, đảm bảo phần lớn học sinh có thể đi bộ đến trường trong vòng 15 đến 20 phút. Quốc gia này không cho phép tuyển sinh chéo giữa các vùng và quá trình phê duyệt diễn ra rất nghiêm ngặt.

Với học sinh ở các cấp lớn hơn, các em cũng cần đảm bảo mình có thể đi bộ hoặc đi phương tiện công cộng đến trường và từ trường về nhà một cách độc lập, nếu không, sẽ bị thuyết phục chuyển tới các trường thuận tiện hơn.

Không gian công cộng ở Nhật Bản được quy hoạch rất khoa học, kiểm soát lưu lượng và tốc độ của các phương tiện giao thông. Tại các thành phố ở Nhật, người đi bộ có mặt ở khắp nơi, giao thông công cộng phát triển mạnh mẽ vượt mặt các phương tiện cá nhân. Ở Tokyo, một nửa lưu lượng di chuyển là sử dụng tàu điện hoặc xe bus, một phần tư là đi bộ. Điều đó có nghĩa chỉ một phần tư người sử dụng phương tiện cá nhân.

Khi tham gia giao thông, tài xế phải nhường đường vô điều kiện, ngay cả khi người qua đường vi phạm luật lệ giao thông. Các phương tiện di chuyển gần khu vực trường học phải đi chậm.

Trên các con đường Nhật Bản, những biển cảnh báo được dựng ở khắp nơi để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi đi lại. Trên mặt đất và trên cột điện thoại đều có ghi lối đi dành cho học sinh đến trường để mọi người chú ý đến sự an toàn của trẻ em.

Cùng với đó, các em luôn được người lớn nhắc nhở đầu tiên nhìn bên phải, sau đó nhìn bên trái, sau đó nhìn bên phải rồi mới sang đường.

Những đứa trẻ sống gần nhà nhau thường cùng đi học. Trong nhóm, những đứa trẻ lớn tuổi hơn sẽ đóng vai trò là trưởng nhóm. Trường học cũng phân công nhiệm vụ "bảo vệ trẻ em học đường" cho giáo viên phụ trách. Hàng ngày khi đến trường, giáo viên được phân công sẽ hướng dẫn học sinh qua lại an toàn tại một số ngã tư đông đúc bên ngoài trường học.
Việc trau dồi ý thức an toàn khi sang đường là một khóa học bắt buộc đối với trẻ em Nhật Bản ngay từ khi học mẫu giáo.

Ngoài ra, để phòng chống tội phạm xâm hại và bắt cóc trẻ em, lực lượng chức năng còn cắm biển "Ngôi nhà bảo vệ trẻ em 110" trên khắp các tuyến phố. Đây là biện pháp do cảnh sát Nhật Bản và các tổ chức địa phương cùng phát động nhằm bảo vệ trẻ em.

"Ngôi nhà bảo vệ trẻ em 110" được bố trí ở những nơi có học sinh tiểu học qua lại. Những ngôi nhà hay cơ sở kinh doanh có biển hiệu này đều là những người tình nguyện tự nguyện tham gia hoạt động. Ngoài bấm số 110, trẻ em có thể đến những nơi như thế này để được giúp đỡ khi gặp trường hợp khẩn cấp.

Học sinh tiểu học ở Nhật Bản cũng có những thiết bị còi nhỏ treo được như móc khóa, nếu có kẻ khả nghi thì bấm nút ngay lập tức, âm thanh lớn sẽ vang lên. Một là để báo động những người xung quanh, hai là để những kẻ có ý đồ xấu hoảng sợ.

Các biện pháp khác nhau đã làm giảm đáng kể việc xảy ra tai nạn, cho nên khả năng xảy ra sự cố đối với trẻ em Nhật Bản trên đường đến trường là rất nhỏ. Chính vì vậy, việc cha mẹ Nhật Bản dám cho con di chuyển một mình không chỉ vì sự tin tưởng vào con cái mà còn đặt niềm tin ở sự an toàn trong cộng đồng mình.

 

Minh Hoa

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-tre-em-nhat-ban-6-tuoi-da-tu-di-den-truong-khong-can-dua-don-a577322.html