Ngành luật là một thuật ngữ để chỉ chung bao gồm tất cả các hoạt động nghiên cứu và áp dụng thực tiễn về pháp luật. Phạm vi hoạt động của ngành luật tương đối rộng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực như Luật tài chính, Luật thương mại, Luật kinh tế, Luật hôn nhân gia đình, Luật hình sự phần tội phạm, quyền con người, quyền công dân, quy định chung về tài sản, thừa kế, bồi thường hợp đồng, khoa học về điều tra hình sự, cung cấp kiến thức về luật môi trường, tranh chấp thương mại, khiếu nại, tội phạm học, tố cáo…
Luật sư là ngành nghề có địa vị trong xã hội.
Sau khi được đào chuyên ngành Luật tại các cơ sở đào tạo, sinh viên chuyên ngành Luật có thể trở thành một luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, làm trợ lý luật sư tại các văn phòng luật, làm thư ký toà án, thẩm phán tại các toà án, cán bộ tư pháp tại các cơ quan nhà nước, làm việc tại cục thi hành án, kiểm sát viên tại các viện kiểm sát, pháp chế tại các doanh nghiệp…
Các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều cần đến một nhà tư vấn luật, vì khi tham gia bất cứ hoạt động nào cũng cần có pháp luật bảo vệ và điều chỉnh, đặc biệt trong việc sản xuất, kinh doanh… Theo thông tin thị trường lao động, nhu cầu nguồn nhân lực ngành luật hiện nay vẫn đang tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thì cơ hội càng rộng mở với các sinh viên chuyên ngành Luật kinh tế, Luật thương mại, Luật dân sự...
Công việc luật sư có mức thu nhập ổn định.
Riêng với các cơ quan nhà nước, con số năm 2020 theo thông tin từ Bộ Tư pháp, ước tính chỉ riêng các chức danh tư pháp Việt Nam cần khoảng 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên thi hành án dân sự và thừa phát lại. Con số trên còn tăng lên gấp nhiều lần khi tính đến lượng công chức làm việc tại các bộ, ban ngành và doanh nghiệp.
Không chỉ cơ hội việc làm ngành Luật đang được xếp vào nhóm các ngành phát triển hiện nay, ngành Luật còn là một trong số những ngành có mức thu nhập ổn định và tăng dần đều theo mức độ kinh nghiệm, thăng tiến công việc. Nếu từng xử lý, giải quyết những vụ án lớn nổi tiếng hoặc có thâm niên cao điều hành được các văn phòng luật sư thì thu nhập sẽ ngày càng cao.
Ở những nước Châu Âu như Anh, Pháp, Đức… hay thậm chí ở Mỹ, ngành luật trong nhiều năm được đánh giá là ngành có mức thu nhập cao thứ 2 chỉ sau bác sĩ nha khoa. Tại Việt Nam, luật sư cũng là một trong số những công việc được kính trọng và có địa vị xã hội, đồng thời thù lao công việc cũng cao hơn so với mặt bằng chung của các nhóm ngành nghề văn phòng khác.
Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên luật trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
Vừa mới ra trường, mức lương cơ bản của thực tập sinh sẽ khoảng 4-6 triệu đồng/tháng, giai đoạn này bạn chủ yếu dành thời gian học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Đối với những người có kinh nghiệm từ 3-5 năm, mức lương khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, 20-30 triệu đồng/ tháng là mức lương cho những người có kinh nghiệm từ 5-15 năm.
Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập hiện nay, Việt Nam chúng ta là một trong những nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất. Sinh viên ngành luật có cơ hội làm việc rộng mở với các công ty nước ngoài, giúp họ đảm bảo quá trình thi hành pháp luật tại nước ta. Người làm pháp chế tại các doanh nghiệp thì mức lương trung bình tầm 15-20 triệu/tháng, lên các vị trí trưởng phòng, trưởng nhóm pháp chế lương sẽ ở mức 1000 - 2000 USD (23,8-47,7 triệu đồng/tháng)...
Tuy nhiên, yêu cầu lớn nhất dành cho người thực hành pháp luật dù ở bất kỳ vị trí nào là quá trình học hỏi. Tại các trường đại học, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức đầy đủ về pháp luật gồm các quy định pháp luật tùy thuộc vào mỗi chuyên ngành.
Sau khi tốt nghiệp, người hành nghề pháp luật không chỉ trau dồi kiến thức chuyên ngành mà còn rèn luyện những kỹ năng mềm thiết yếu cho ngành nghề: Kỹ năng tự tin thuyết trình, kỹ năng nghe và đàm phán, khả năng thuyết phục khách hàng, tư vấn, tạo niềm tin đối với khách hàng, lập luận hợp lý để bảo vệ quan điểm cá nhân, phản bác lại ý kiến của bên đang tranh cãi. Lời khuyên dành cho các sinh viên khi đang ngồi trên giảng đường đại học là hãy dành thời gian để sớm đi thực tập tại các văn phòng luật, toà án… để tích lũy kinh nghiệm.
Người hành nghề pháp luật đòi hỏi có quá trình học tập kéo dài nhiều năm.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp tại trường đại học, sinh viên lựa chọn các công việc cụ thể phải tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Ví dụ, với chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ mất khoảng 2 năm để học và thi, bao gồm 1 năm tại Học viện tư pháp, sau đó tập sự 1 năm tại tổ chức hành nghề luật sư (Công ty, văn phòng luật). Kết thúc tập sự sẽ có 1 kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, thi đỗ thì tầm 3-6 tháng sau được cấp chứng chỉ hành nghề và chọn gia nhập Đoàn luật sư của một tỉnh thành nào đó để được cấp thẻ. Kỳ thi này được tổ chức 1 năm 2 lần trong phạm vi toàn quốc (như thi đại học). Trường hợp thi không đỗ thì chờ thi lại ở các đợt sau hoặc tập sự lại nếu thi 3 lần không đỗ.
Hiện tại, các trường đại học đào tạo cán bộ pháp lý hàng đầu phía Nam và phía Bắc như Đại học Luật TP.HCM, đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế - luật, Khoa Luật - Đại học Quốc gia… Năm 2022, điểm chuẩn của các trường đào tạo chuyên ngành Luật đều khá cao: Đại học Luật Hà Nội 29.5, Đại học Luật TP.HCM 27.5 kèm theo kỳ thi đánh giá năng lực của trường, Đại học Kinh tế - Luật có tuyển sinh theo kỳ thi năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM…
HÀ ANH