Theo Live Science, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra những mảnh hóa thạch đầu tiên của con quái vật đại dương này trong một cuộc khai quật ở Wyoming - Mỹ từ năm 1995, giữa những phiến đá có niên đại 101 đến 66 triệu năm trước.
Mới đây, nhà cổ sinh vật học Walter Scott Persons IV từ Trường Đại học Charleston ở Nam Carolina đã trình bày nghiên cứu do mình dẫn đầu trên tạp chí iScience, khẳng định con quái vật này là một loài chưa từng được biết tới.
Theo nghiên cứu được công bố ngày 26/9, con quái vật thuộc nhóm plesiosaurs, tức "thằn lằn đầu rắn", một nhóm khủng long sống dưới nước phát triển mạnh trong kỷ Phấn Trắng. Không giống những loài thằn lằn đầu rắn khác, con vật có nhiều đặc điểm hình dáng riêng biệt so với thành viên cùng bộ.
Cụ thể, "chân dung" loài mới được các nhà khoa học tái tạo với chiếc đầu giống đầu cá sấu gắn trên chiếc cổ dài như cổ rắn và một thân hình bò sát không có chân mà có 4 vây dạng mái chèo. Nó được mô tả là "con thú kỳ lạ, độc nhất vô nhị, là sự giao thoa giữa 2 loài". Hai loài được nhắc đến là cá sấu và các dạng thằn lằn đầu rắn phổ biến.
Loài quái vật mới được đặt tên là Serpentisuchops pfisterae tức "mặt mũi nhọn". Phần hóa thạch được khai quật bao gồm phần lớn hộp sọ, cổ hoàn chỉnh, đốt sống, phần lớn đuôi và một số xương sườn; chiếm khoảng 35% bộ hài cốt của con vật.
Chiếc cổ dài mất cân đối khiến chiều dài tổng thế của nó lên đến 7 m cho dù thân hình không lớn lắm.
Tại khu vực khai quật, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy 19 chiếc răng, chỉ có 1 chiếc nằm trong hàm của mẫu vật, còn những chiếc khác vương vãi xung quanh bộ xương. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, sự tồn tại của chân răng ở hàm có nghĩa số răng trên đến từ mẫu vật thay vì một con thằn lằn cổ rắn khác.
Những chiếc răng mang hình nón cao, trơn nhẵn, không có răng cưa chứng tỏ con vật không thể cắn qua xương dày. Những chiếc răng chỉ có một chức năng duy nhất là ngoạm và giữ mồi. Nhiều khả năng S. pfisterae bơi theo con mồi trơn trượt không có khả năng đánh trả nhiều như như cá nhỏ hoặc động vật chân đầu (là nhóm bao gồm mực, bạch tuộc...).
Địa điểm khai quật con vật cũng khá đặc biệt, được tiến sĩ Persons mô tả là giống bề mặt của Mặt Trăng. Bang Wyoming, quê hương của con quái vật mới, cũng là một trong những địa điểm giàu hóa thạch khủng long nhất nước Mỹ.
Minh Hoa
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tim-thay-quai-vat-lai-tap-ky-di-mat-ca-sau-co-ran-minh-khung-long-a577704.html