Chiều 4/10, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, thông tin về tình hình sức khỏe nữ bệnh nhân 35 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, Tp.HCM), trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Tp.HCM và Việt Nam, đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Được biết, nữ bệnh nhân khởi phát bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 18/9, khi đang du lịch tại Dubai (bệnh nhân du lịch Dubai từ tháng 7/2022 đến ngày 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Sau khi về Việt Nam, ngày 23/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur Tp.HCM).
Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD (Anh) hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định, bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox vi rút thuộc Clade-IIb.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Monkeypox virus được chia thành hai clade-I và II. Clade II chia thành IIa và IIb. Các virus của clade IIb đang lưu hành và gây dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới từ đầu năm 2022 đến nay.
Cùng với việc giải mã bộ gen virus, các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã điều trị, chăm sóc bệnh nhân an toàn, hiệu quả cũng như phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, giám sát người thân và nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vẩy và lên da non.
“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã điều trị, chăm sóc bệnh nhân an toàn, hiệu quả. Sau 12 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vẩy và lên da non. Các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau”, TS.BS Lê Mạnh Hùng thông tin.
Ngoài ra, bệnh nhân ăn uống tốt, lên cân, tinh thần lạc quan và tuân thủ tốt quy trình cách ly và xử lý vật dụng cá nhân tránh lây cho cộng đồng. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.
Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, qua việc cảnh giác thực hiện các biện pháp chủ động phát hiện bệnh sớm, xử lý theo các quy trình: cách ly, xét nghiệm, giám sát, điều tra dịch tễ, kiểm soát nguồn lây... một cách khoa khoa học, nghiêm ngặt và diễn tiến điều trị thuận lợi của ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Tp.HCM, có thể nhận định, nguồn lây là từ nước ngoài - nơi bệnh nhân đi du lịch. Bệnh chưa lây ra cộng đồng khi bệnh nhân về Việt Nam. Bệnh nhân phục hồi sức khỏe, xét nghiệm PCR dịch tiết 1 số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính... Thực tế trên cũng phù hợp đối với các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên thế giới.
“Bệnh không dễ lây lan trong cộng đồng, nếu không tiếp xúc trực tiếp da của người lành với da có bóng nước hoặc niêm mạc có bóng nước của người bệnh. Đa số các trường hợp bệnh khỏi sau 10 - 14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày”, TS.BS Lê Mạnh Hùng cho biết.
TS.BS Lê Mạnh Hùng cũng lưu ý, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ được ngành y tế khuyến cáo.
Minh Hoa
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/benh-nhan-mac-dau-mua-khi-dau-tien-o-viet-nam-hien-ra-sao-a577809.html