GDP tăng trưởng mạnh, không thể vội mừng

GDP 9 tháng qua của năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, sức chịu đựng và khả năng ổn định của doanh nghiệp vẫn là vấn đề đáng lưu tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh của quý III, giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả”, bà Hương phân tích.

Về mức tăng trưởng trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, nền kinh tế Việt Nam quý III năm nay phục hồi nhờ một loạt các gói hỗ trợ chính sách và sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Xu thế này không xuất hiện ở riêng Việt Nam, cụ thể, năm 2020, nền kinh tế lớn nhất thế giới là nước Mỹ co lại 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1946 và cũng là năm giảm đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính.

Đến năm 2021, Mỹ tăng trưởng vượt bậc 5,7%, cao hơn cả tăng trưởng 3,1 % vào năm 2019 (trước đại dịch). Trong khi đó, 1% tăng trưởng của kinh tế Mỹ là cực kỳ lớn, vì quy mô nền kinh tế lớn.

“Thường họ chỉ đặt ra mức tăng trưởng 2%/năm, bởi vậy, mức tăng trưởng 5,7% đã gấp rất nhiều lần bình thường. Vì lẽ đó, quay trở lại giải thích cho con số tăng trưởng của Việt Nam quý III là hoàn toàn bình thường”, ông Lâm phân tích.

doanh-nghiep-2-1664942860.jpg
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sauu đại dịch Covid-19

Trước những con số tăng trưởng rất tích cực, vị chuyên gia vẫn nêu lưu ý về việc khu vực DN đông về số lượng nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

“Trong 9 tháng đầu năm 2022 có 112,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó có 62,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021; Có 36,3 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,1%; có 13,8 nghìn DN đã giải thể, tăng 8%.

Như vậy, bình quân một tháng có 18,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 DN gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 DN tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Những năm trước đây không lớn như thế này, thể hiện khó khăn của nền kinh tế. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR cho biết thêm, DN trong nước rất “khát” vốn. Nhu cầu về vốn rất lớn nhưng room tín dụng có sự hạn chế, cùng với đó, lãi suất tăng và nhiều áp lực đè nặng lên DN. Đặc biệt, trong bối cảnh, doanh nghiệp ở Việt Nam có tới hơn 95% là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ khó tiếp cận với các nguồn vốn.

“Có một chỉ số chúng ta đáng quan tâm là dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 32% thì số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cũng tăng thêm 28% so với cùng kỳ 2021. Nếu so sánh, chưa chắc các doanh nghiệp mới đăng ký đã bù đắp được thiệt hại do các doanh nghiệp đã hoạt động một thời gian nay rút khỏi thị trường. Bản thân các doanh nghiệp mới thành lập thường có vốn mỏng, khả năng có đơn hàng, tuyển dụng lao động ổn định vẫn còn là dấu hỏi.

Song song đó, nền kinh tế còn chịu nhiều thách thức từ bên ngoài như việc các ngân hàng trung ương trên thế giới cùng tăng lãi suất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, bất ổn về nguồn cung năng lượng, xung đột địa chính trị. Nhiều tổ chức đã dự báo nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm tới”, TS Nguyễn Quốc Việt đánh giá.

Thanh Phong

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gdp-tang-truong-manh-khong-the-voi-mung-a577823.html