Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được thành lập từ năm 1996. Sau 25 năm hoạt động (năm 2021), OCB chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của OCB là 22.900 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu, tương ứng vốn hoá ngân hàng đạt 25.096 tỷ đồng. Hiện nay, cổ phiếu OCB dao động trong mức giá 12.000 đồng/cp.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của OCB gây thất vọng với lợi nhuận trước thuế giảm 34,6%, đạt 1.700 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần tăng 20,4% so với cùng kỳ nhưng lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đã ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận cốt lõi của OCB.
Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,96% trên tổng dư nợ, cao hơn nhiều so với con số 1,32% của quý IV/2021. Chất lượng tài sản suy giảm khiến chi phí dự phòng tăng 42,8% so với cùng kỳ lên 562 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, OCB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 9,8% với tổng dư nợ đạt 113.700 tỷ đồng. Điều này được giải thích bởi sự tăng trưởng của dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản và cho vay mua nhà ở.
Nhờ mối quan hệ chặt chẽ với các chủ đầu tư bất động sản như: Nam Long Group (NLG), Nhà Khang Điền (KDH), Sơn Kim Land và Capitaland, OCB đã đẩy mạnh cho vay mua nhà để ở với giá trị cho mỗi căn nhà dao động từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng.
Hơn nữa, dư nợ cho vay của Unlock Dream Home (sản phẩm cho vay mua nhà trực tuyến) đạt hơn 3.500 tỷ đồng trong quý II/2022, chiếm xấp xỉ 4% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Trong khi dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng lần lượt là 11.000 tỷ đồng (tăng 21% so với đầu năm) và 10.000 tỷ đồng (tăng 6% so với đầu năm), dư nợ cho vay trái phiếu doanh nghiệp tăng 5% so với quý trước lên hơn 4.000 tỷ đồng (trong đó gần 580 tỷ đồng trái phiếu là nợ quá hạn).
Trong năm 2022, OCB cũng nhận hơn 2.000 lô đất làm tài sản đảm bảo thay thế nghĩa vụ trả nợ của bà Nguyễn Phương Hằng và nhóm công ty Đại Nam của gia đình bà Phương Hằng.
OCB cũng đã ghi nhận khoản lỗ 327 tỷ đồng từ giao dịch trái phiếu, qua đó làm ảnh hưởng đến lợi nhuận cốt lõi của OCB trong 6 tháng đầu năm.
Ngân hàng TNHH Aozora- Nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản, là cổ đông lớn duy nhất tại OCB với tỷ lệ sở hữu 15%. Song, gia đình Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn và các tổ chức liên quan mới thực sự chi phối OCB.
Hiện tại, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn trực tiếp nắm giữ 60.744.881 cổ phần, tương đương 4,43% vốn điều lệ OCB, bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Tuấn) nắm giữ 3,21% (44.011.480 cổ phần).
3 người con gái của ông Tuấn và bà Quế Anh gồm: Trịnh Mai Linh nắm giữ 4,27% (58.507.651 cổ phần), Trịnh Mai Vân 3,75% (51.313.293 cổ phần), và Trịnh Thị Mai Anh nắm giữ 2,94% (40.282.710 cổ phần). Trong đó, bà Trịnh Thị Mai Anh (sn 1992) hiện đang là thành viên HĐQT tại OCB.
Ông Tuấn và bà Quế Anh còn một người con gái nữa là bà Trịnh Thị Mai Phương Paula tuy nhiên bà Mai Phương hiện không còn là cổ đông tại OCB.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của OCB cho thấy, bà Trịnh Thị Mai Phương Paula đã chuyển nhượng 51.313.293 cổ phiếu OCB (tương đương 3,75% vốn điều lệ ngân hàng) cho em gái Trịnh Mai Vân theo phương thức giao dịch thoả thuận. Sau giao dịch này tỷ lệ sở hữu của gia đình Chủ tịch OCB không thay đổi.
Gia đình ông Tuấn còn nắm giữ 1,13% (15.513.650 cổ phần) tại OCB thông qua Công ty TNHH Đầu tư TQA, công ty do bà Quế Anh và con gái Mai Anh trực tiếp điều hành và là thành viên HĐQT. Bà Quế Anh còn là Tổng Giám đốc tại CTCP Bất động sản Quốc tế.
Ngoài ra, theo tài liệu của PV cho thấy, trong năm 2020, CTCP Bất động sản Hướng Việt đang sở hữu hơn 52 triệu cổ phần OCB. Công ty này được thành lập năm 2018 do em trai bà Cao Thị Quế Anh là ông Cao Quế Sơn sáng lập.
Dù em trai bà Quế Anh không còn là đại diện pháp luật của Bất động sản Hướng Việt, song người mới là bà Trần Thị Thúy An (SN 1983) là người “thân thiết” với gia đình ông Tuấn. Vợ chồng Chủ tịch OCB từng dùng hơn 13 triệu cổ phiếu của ngân hàng này để làm tài sản đảm bảo bảo lãnh cho khoản vay của bà Thúy An.
Bên cạnh đó, CTCP tư vấn đầu tư Hướng Việt – doanh nghiệp do một người em trai khác của bà Quế Anh cũng sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu OCB. Công ty này còn là cổ đông “bí ẩn” tại Quốc Lộc Phát – chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Sóng Việt, dự án Metropole Thủ Thiêm. Và không khó để hiểu, OCB là ngân hàng mà Quốc Lộc Phát “tin tưởng” thế chấp nhiều dự án.
Bất động sản Hướng Việt, Hướng Việt Invest cũng như các tổ chức cá nhân có liên quan gia đình ông Trịnh Văn Tuấn dùng cổ phiếu, dự án thế chấp tại OCB cho các khoản vay cả nghìn tỷ đồng sẽ tiếp tục được phân tích rõ trong kỳ tới.
PV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gia-dinh-chu-tich-trinh-van-tuan-so-huu-bao-nhieu-co-phan-tai-ocb-a578577.html