Bảo Linh là cô công chúa út trong nhà, cô bé rất thích mặc váy để hóa thành những cô công chúa như trong truyện cổ tích. Mẹ Bảo Linh cũng hết sức cưng chiều sở thích của con gái, vì thế, khi con đi học mẫu giáo ngày đầu tiên, mẹ đã mua cho Bảo Linh một chiếc đầm công chúa Elsa xòe rất xinh xắn.
Các bé gái rất thích mặc các mẫu đầm công chúa Elsa. (Ảnh minh họa)
Ngày đầu tiên đi học, nhìn con gái hào hứng vào lớp với chiếc váy mới mà lòng mẹ Bảo Linh thấy vui lạ thường. Những tưởng con sẽ có một ngày học thật vui vẻ ở trường, nhưng khi đến đón con, mẹ Bảo Linh không khỏi giật mình khi thấy đầu gối con gái sưng tím, hơi rỉ máu. Hóa ra, chiếc váy quá dài khiến Bảo Linh khó chạy nhảy khi tham gia các hoạt động chơi đùa cùng các bạn. Trong khi chơi trò đuổi bắt, cô bé đã dẫm vào chân váy và bị ngã.
Cô giáo lúc đó mới nhắc mẹ Bảo Linh rằng, ở trường các bé vận động rất nhiều, vì thế những bộ quần áo đơn giản, gọn gàng, hoặc bộ đồ thể thao sẽ thích hợp để cho tham gia vào các hoạt động cùng bè bạn.
Ngoài ra, với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, cô cũng cho biết, có rất nhiều lý do các bà mẹ cần phải lưu ý khi cho con mặc những loại váy quá cầu kỳ đến trường, đó là:
1. Ảnh hưởng đến các hoạt động
Khi đến trường, bé có rất nhiều bạn bè và nhiều hoạt động chơi đùa. Phụ huynh cần tránh cho con mặc các kiểu váy công chúa, váy dài vì như thế sẽ cản trở hoạt động thậm chí gây nguy hiểm cho bé. Nếu con thích mặc váy, tốt nhất mẹ nên chọn các kiểu váy thun đơn giản, gọn gàng và kết hợp cùng legging để con có thể thoải mái chơi đùa cùng các bạn.
Váy quá lòe xòe sẽ không tiện cho các hoạt động của bé. (Ảnh minh họa)
2. Dễ ảnh hưởng tâm lý
Mặc dù các bố mẹ đều thích cho bé gái mặc váy nhưng không phải ai cũng nhắc nhở con về việc phải ý tứ khi đứng lên ngồi xuống, đặc biệt khi bé còn ở tuổi mẫu giáo. Đôi khi việc bị hở váy cũng có thể khiến bạn bè trêu trọc làm con càng có tâm lý e ngại.
3. Dễ gây tâm lý so sánh
Mặc dù bé ở giai đoạn này chưa hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền nhưng một chiếc váy điệu đà cũng có thể khiến bé nhận ra mình có sự khác biệt với bạn bè. Đối với những bé sinh ra trong gia đình có điều kiện, việc mặc váy quá đẹp hơn bạn bè dễ khiến bé tự cảm thấy mình hơn người khác, đây là suy nghĩ rất không tốt cho tâm lý cho trẻ nhỏ.
Việc mặc quá điệu đà khác người cũng dễ khiến bé nảy sinh tâm lý tự kiêu. (Ảnh minh họa)
Ngoài váy dài, các cô giáo cũng khuyên cha mẹ không nên mặc ba loại quần áo khi tới trường mẫu giáo:
1. Áo có mũ dây rút
Dây rút ở cổ áo từng gây ra nhiều tai nạn với trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Kiểu áo này đã từng rất thịnh hành, chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ sẽ chọn cho bé chiếc áo này vì nó rất phong cách. Thực tế, chiếc áo này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn, đặc biệt là đối với trẻ em. Thiết kế dây rút ở cổ dễ gây vướng víu khi bé chơi đùa, đe dọa đến sự an toàn của trẻ.
Đã có rất nhiều bài báo cảnh báo về mối nguy hiểm do áo có dây rút gây ra, thậm chí “Quy định kỹ thuật an toàn cho trẻ sơ sinh và sản phẩm dệt may dành cho trẻ em” cũng quy định rõ trẻ em dưới 7 tuổi không được trang trí dây trên đầu và cổ quần áo.
2. Áo liền quần
Áo liền quần gây khó cho việc tự phục vụ của các bé. (Ảnh minh họa)
Mặc dù loại quần áo này không gây nguy hiểm nhưng lại gây khó khăn cho cô giáo khi chăm sóc bé. Khả năng của bé khó có thể tự mặc và cởi áo liền quần, vì thế cô sẽ phải dành nhiều thời gian cho bé hơn. Bởi nếu không sẽ có thể có những sự cố như đi tiểu ra quần vì không kịp cởi.
3. Quần áo với nhiều đồ trang trí
Cha mẹ phải chú ý những đồ trang trí trên quần áo rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Đặc biệt, một số hạt hoặc đồ trang trí đẹp mắt được trang trí trên quần áo có thể dễ dàng bị bé nuốt hoặc nuốt phải, gây nguy hiểm đến sự an toàn của bé.
Những mẫu đính hạt dễ gây nguy hiểm khi bé nuốt phải. (Ảnh minh họa)
Thay vì chọn những bộ quần áo phức tạp cho con, bố mẹ nên chọn cho bé một số bộ đồ thể thao trang trí đơn giản, có thể đảm bảo an toàn cho bé ở mức độ lớn nhất.
CHI CHI
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-giao-mam-non-co-kinh-nghiem-10-nam-bo-me-khong-nen-cho-con-gai-mac-vay-di-hoc-a578684.html