“Trong bối cảnh của thế kỷ 21 là sự phát triển toàn diện, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, không phải với tư cách là một nửa của thế giới, mà là tất cả”, PGS. TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại một sự kiện diễn ra ngày 19/10 tại Hà Nội.
Với chủ đề “Phụ nữ tham chính và khởi xướng sáng kiến trong sự nghiệp phát triển đất nước”, buổi hội thảo do UNDP tổ chức nhằm công bố những nghiên cứu về tình hình tham chính của phụ nữ Việt Nam, đồng thời đưa ra nhưng khuyến nghị nhằm khuyến khích và nâng cao vai trò cũng như vị thế của phụ nữ Việt Nam trên chính trường trong thời gian tới.
Việt Nam đứng đầu ASEAN về tỉ lệ nữ đại biểu quốc hội
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định về tỉ lệ phụ nữ tham chính. Theo một báo cáo được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022, Việt Nam đạt 0,705 điểm trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021, vị đại diện UNDP chia sẻ.
Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam là 30,26%, trong khi số nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cũng dần tăng lên thời gian qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Khalidi, mục tiêu tăng tỉ lệ phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp lên 35% và trong các cấp ủy Đảng vẫn là mục tiêu khá tham vọng, vì số lượng nữ đại biểu trong Đại hội Đảng lần thứ XIII giảm xuống, khiến mục tiêu thu hẹp khoảng cách phụ nữ tham gia vào các cấp lãnh đạo là mục tiêu duy nhất nhưng cũng không đạt được.
Sự tham gia của phụ nữ vào các cấp lãnh đạo địa phương thậm chí còn thấp hơn, bà Khalidi cho biết. Trong số 812 thôn được khảo sát vào năm 2019, chỉ có 101 thôn (12%) do phụ nữ làm trưởng thôn, số còn lại do nam giới lãnh đạo.
Việt Nam đã tuyển dụng gần 2 triệu công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp quốc gia đến năm 2021, trong đó có 1,3 (65%) phụ nữ, bà Khuất Thu Hồng - Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), cho biết tại hội thảo.
Theo bà Hồng, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam làm đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ liên tục tăng giảm qua các năm, nhưng kỷ lục 32% năm 1976 chưa bao giờ lặp lại.
Trong 10 năm qua (2012-2022), mặc dù phụ nữ chiếm trung bình 40% tổng số cán bộ cấp bộ, nhưng họ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt, bà Hồng chia sẻ. Tuy nhiên, một điều đáng khích lệ là Việt Nam luôn đứng đầu ASEAN và đạt trên mức trung bình trên thế giới về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, bà Hồng cho biết.
Rào cản
Chia sẻ tại sự kiện, PGS. TS. Hoàng Văn Nghĩa cho biết, vai trò của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tham chính chưa thay đổi là do tư duy của lãnh đạo và quản lý trong tất cả các cấp, các ngành chưa thực sự đột phá, dù có sự chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là trong Nghị quyết Đại hội XIII vừa rồi.
Tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng Nhân dân khá cao nhưng Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 182/190 quốc gia về tỉ lệ nữ làm lãnh đạo ở vị trí cấp cao - người đứng đầu Nhà nước, người đứng đầu Quốc hội và các Bộ trưởng Liên minh nghị viện, TS. Lương Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết. Một trong những lý do là vì “đến lúc các chị đạt được vị trí Thứ trưởng thì đã đến tuổi nghỉ hưu rồi”, TS. Hiền cho biết.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, mặc dù các cơ quan tuân thủ khá nghiêm ngặt luật pháp về bình đẳng giới của Việt Nam, tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại và gây bất lợi cho phụ nữ. Phụ nữ được cho là không phù hợp với vai trò lãnh đạo bằng nam giới vì họ phải ưu tiên cho gia đình nhiều hơn công việc.
Theo báo cáo "Nghiên cứu Giới và Thị trường Lao động Việt Nam” năm 2021 của ILO, trung bình, phụ nữ làm việc 59 giờ/tuần, bao gồm 38,8 giờ làm việc tạo thu nhập và 20,2 giờ làm việc nhà. Trong khi đó, nam giới làm việc trung bình 50,7 giờ/tuần, trong đó có 40 giờ dành cho lao động được trả lương và 10,7 giờ làm việc nhà. Như vậy, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp đôi nam giới.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo nữ có thể gặp nhiều phản ứng hơn từ cấp dưới, khiến việc lãnh đạo của họ căng thẳng hơn và ít hiệu quả hơn nam giới, từ đó củng cố định kiến rằng phụ nữ là những nhà lãnh đạo không có năng lực, TS. Hồng cho biết.
Giám sát thực hiện bình đẳng giới
Có rất nhiều lý do khiến Việt Nam không đạt được các chỉ tiêu về tỉ lệ nữ tham chính, nhưng một trong những lý do căn bản nhất mà nghiên cứu chỉ ra là chúng ta thiếu một hệ thống giám sát mạnh mẽ và quyết liệt, theo TS. Lương Thu Hiền.
“Nếu chúng ta thực hiện giám sát bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý như chúng ta thực hiện giám sát vấn đề phòng chống đại dịch Covid, thì việc thực hiện các chỉ tiêu lãnh đạo, quản lý sẽ khác hẳn,” TS. Hiền nói thêm.
“Chính vì vậy, chúng tôi đã khuyến nghị xây dựng bộ chỉ số giám sát thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý làm bộ công cụ giám sát mạnh mẽ để hàng năm, khi chúng ta công bố số liệu thu thập được từ bộ ngành, các tỉnh thành, ai làm được thì khen thưởng, ai chưa làm được thì có thể phải giải trình và phải có kế hoạch cho những năm tiếp theo”, TS. Hiền cho biết.
“Nếu chúng ta không đầu tư một cách bài bản và hệ thống cho những người nữ tiềm năng trẻ, đặc biệt dưới 40 tuổi đang trong quy hoạch cán bộ và đang làm lãnh đạo quản lý, thì không có đủ lộ trình đủ dài và đủ logic để thúc đẩy các chị trở thành những người lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp cao, từ Thứ trưởng đến Bộ trưởng và cao hơn nữa”, TS. Lương Thu Hiền nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thục Hạnh, Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam kiến nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, UNDP và giới báo chí tác động để đưa chỉ số đánh giá về bình đẳng giới theo quy định trở thành một trong những tiêu chí đánh giá lãnh đạo.
Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và UNDP đưa ra một chỉ số đánh giá phụ nữ trong truyền thông, đặc biệt là trong giới báo chí, vì theo bà, phụ nữ chiếm gần 50% những người làm việc trong lĩnh vực báo chí, nhưng có chưa tới 8% phụ nữ giữ những vị trí quan trọng trong ngành như Tổng biên tập.
Nguyễn Thị Tuyết
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/undp-viet-nam-dat-duoc-tien-bo-ve-ti-le-phu-nu-tham-chinh-a579047.html