Cà tím có tên khoa học là solanum melongena, có nguồn gốc ở Ấn Độ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong thành phần của cà tím có 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protid, 0,2% lipid.
Ngoài ra, trong thịt quả cà tím chứa nhiều vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoáng chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn. Nhờ nguồn axit folic (vitamin B9) và sắt vi lượng dồi dào, cà tím giúp hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho thai phụ.
Trong cà tím còn có kali giúp ổn định nhịp tim, flavonoid giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng, cải thiện tình trạng giấc ngủ, làm đẹp da ngăn ngừa tàn nhang. Lớp vỏ màu tím có chứa nhiều vitamin B, C và lượng lớn anthocyanidin.
Còn Đông y đánh giá, cà có vị ngọt tính hàn, hơi độc. Tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng, thường được khuyên dùng cho người bị nhiệt chứng, khô đắng miệng, hoặc táo bón. Tuy nhiên những nhóm người sau không nên ăn cà tím:
Người bị bệnh dạ dày: Cà tím là thực phẩm có tính hàn, nếu ăn nhiều có thể làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu, gây ra tiêu chảy nặng. Vì vậy, những người đang gặp vấn đề ở dạ dày đặc biệt không nên ăn.
Người thể trạng yếu: Do cà tím có tính hàn nên những người yếu mệt hay thể trạng kém cũng không nên ăn nhiều và thường xuyên.
Người mắc bệnh thận: Những người mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao, đây vốn là loại axit có trong thực vật mà nếu được ăn quá nhiều thì dễ gây sỏi thận.
Người cao tuổi: Cà tím ít calo nên người cao tuổi và béo phì có thể ăn, tính hàn nên cũng thân thiện với những người bị rôm sảy, ung nhọt. Tuy nhiên, những người hen suyễn, bệnh dạ dày, lá lách không nên ăn.
* Một vài lưu ý khi ăn cà tím:
Không ăn quá nhiều: Trong cà tím có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê.
Khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây độc. Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể được phá hủy được chất này.
Để giảm chất này, khi chế biến bạn cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine. Uống nước ép cà tím rất dễ xảy ra ngộ độc khi cà chưa được nấu chín.
Không đun ở nhiệt độ quá cao: Khi đun ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ thất thoát nhiều chất dinh dưỡng. Thậm chí, cách chế biến chiên có thể làm hao hụt đến 50% lượng vitamin trong cà tím.
Ngoài ra, nhiều tạp chí y học báo cáo có hiện tượng ngứa ở ngoài da và miệng sau khi ăn cà tím do trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin hàm lượng cao. Để tránh, bạn cần nấu chín kỹ cà tím trước khi ăn.
Tốt nhất bạn nên ăn cà ninh hoặc hầm nhừ sẽ không làm mất đi những thành phần dinh dưỡng vốn có trong cà tím mà vẫn giúp bạn có một món ăn ngon, bổ dưỡng.
Ngoài ra nên ngâm cà qua nước pha muối và sau đó rửa lại các miếng cà tím đã thái sẽ làm nó mềm hơn và loại bỏ gần hết vị đắng của cà, làm cho món ăn ngon hơn.
Nên ăn cả vỏ: Cà tím có thể chế biến dưới nhiều cách khác nhau như món nướng, xào với dầu ăn, bung, um, xào thịt hay làm các món salad. Điều cần lưu ý là khi ăn bạn không nên bỏ vỏ cà tím bởi vỏ cà có chứa vitamin nhóm B và vitamin C rất có lợi cho sức khỏe.
Thùy Dung
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-ai-khong-nen-an-ca-tim-a579184.html