Muốn thận khỏe mạnh, hãy tránh xa thức uống này

Chế độ ăn uống không lành mạnh là 1 trong những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận. Trong đó, soda là thức uống gây ảnh hưởng tồi tệ nhất đến thận của bạn.

Thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu, nằm ở khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống. Ngoài chức năng lọc máu và đào thải độc tố theo đường niệu đạo dẫn đến bàng quang và thải ra ngoài, thì thận còn giúp tái hấp thu nước, các acid amin và glucose. Ngoài ra, thận có chức năng nội tiết, là nơi sản xuất các hormone như: calcitriol, renin, và erythropoietin.

Một khi chức năng của thận bị suy giảm, không đảm nhiệm được các chức năng này sẽ gây ra các vấn đề rối loạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cần phải lọc máu nhân tạo hoặc buộc phải ghép thận. Một số bệnh lý thường gặp là sỏi thận, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang… Nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường tiết niệu. Nặng nhất sẽ dẫn đến suy thận cấp và mạn tính.

Một số người dễ mắc bệnh thận do di truyền, tuy nhiên, lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, huyết áp và bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính. Trong đó, những đồ uống sử dụng hàng ngày cũng dễ dàng tác động đến sức khỏe của thận.

Theo Eat This, Not That, soda (nước ngọt có ga, có đường hoặc không đường) là thức uống gây ảnh hưởng tồi tệ nhất đến thận của bạn.

Lượng đường trong soda là nguyên nhân. Theo một nghiên cứu năm 2015 trên Wiley Online Library, trong số 2.382 người tham gia, những người uống hơn 4 cốc soda có đường mỗi tuần có nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính cao gấp đôi so với những người uống nửa phần soda hoặc ít hơn mỗi tuần.

Hàm lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu chịu trách nhiệm cung cấp máu đến thận, mất kiểm soát lượng đường trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.

Vì vậy, người đang mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận cần hạn chế uống nước soda. Những người có tiền sử gia đình từng mắc bệnh cũng cần theo dõi chặt chẽ lượng đường tiêu thụ và lượng đường trong máu.

Một thành phần khác đường cũng được tìm thấy trong soda (nhất là cola) là axit photphoric. Nghiên cứu chỉ ra thành phần này ảnh hưởng đến đường tiết niệu, thúc đẩy hình thành sỏi thận, tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.

Ngoài ra, các chất tạo ngọt nhân tạo hoặc các chất thay thế đường khác có trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống trên thị trường với nhãn “không đường” và “ăn kiêng” cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.

Theo một nghiên cứu năm 2011, uống nhiều hơn 2 phần soda chứa chất tạo ngọt nhân tạo mỗi ngày có liên quan đến tỷ lệ suy giảm chức năng thận ở phụ nữ tăng gấp 2 lần.

Hiện tại, các nhà khoa học chưa xác định được chất ngọt nhân tạo aspartame hay saccharin có liên quan đến bệnh thận. Vì vậy, bạn nên thận trọng khi sử dụng tất cả loại nước ngọt dành cho người ăn kiêng để bảo vệ sức khỏe.

Đời sống - Muốn thận khỏe mạnh, hãy tránh xa thức uống này

Nói chung, soda được coi là loại đồ uống không tốt cho sức khỏe. Ngoài ảnh hưởng đến thận, soda còn có nhiều tác hại như:

-Ảnh hưởng sức khỏe răng miệng: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu như bạn dùng quá nhiều soda sẽ khiến răng và lợi trở nên hư hại. Đường và axit trong soda sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến men răng của bạn.

-Loãng xương: Soda ảnh hưởng tới sức khoẻ của xương. Uống quá nhiều soda khiến xương bị yếu và việc bài tiết qua nước tiểu sẽ khiến canxi trong cơ thể mất đi, đặc biệt là phụ nữ.

-Tiểu đường: Hàm lượng đường trong soda khiến cơ thể gây ra một phản ứng insulin. Điều này khiến hàm lượng đường trong cơ thể tăng cao.

-Gia tăng chất béo: Những người uống soda thường xuyên trong vòng 6 tháng sẽ khiến hàm lượng chất béo trong cơ thể tăng lên đáng kể, đặc biệt là vùng bụng. Điều này khiến các axit photphoric trong soda sản sinh từ trong dạ dày làm chậm quá trình tiêu hoá.

-Tăng cholesterol: Gây ra hội chứng chuyển hoá, nâng cao mức độ cholesterol trong cơ thể.

-Cao huyết áp: Uống soda thường xuyên sẽ gây ra caffeine trong cơ thể dẫn đến chứng cao huyết áp.

-Tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2: Theo một nghiên cứu từ trường Đại học Harvard, uống một đến hai chai đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm tăng 25% nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Thừa đường làm tăng đột biến lượng đường trong máu, nguy cơ kháng insulin cao.

-Nguy cơ tử vong do bệnh tim: Nghiên cứu tại Đại học Emory chỉ ra mối liên hệ giữa đồ uống có đường và số ca tử vong do bệnh động mạch vành. "Uống hai chai soda mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim", tiến sĩ Jean Welsh, trợ lý giáo sư nhi khoa tại Emory cho biết.

-Vấn đề sinh sản: Phụ nữ tiêu thụ quá nhiều soda sẽ dẫn đến sự bất thường về sinh sản và dậy thì.

-Lão hoá: Axit photphoric trong nước ngọt sẽ làm tăng tốc độ lão hoá của da.

 

Minh Hoa

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/muon-than-khoe-manh-hay-tranh-xa-thuc-uong-nay-a579302.html