“Nhiều bệnh nhân phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài”

Theo đại biểu Cường, đông đảo bệnh nhân mong muốn, sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 24/10, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Luật này tại hội trường.

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn – nơi biết bao các y bác sĩ mong muốn được làm việc.

“Nhiều người thấy ngỡ ngàng khi nghe tin bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K là những bệnh viện lớn có đầy đủ những điều kiện, thế mạnh thực hiện tự chủ thì lại xin thôi cơ chế tự chủ mà lại quay về cơ chế hưởng bao cấp. Trong khi, rất nhiều các cơ sở y tế hiện nay mong chờ việc tự chủ”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.

Rất nhiều người đã có chung một nhận định rằng việc cán bộ y tế xin nghỉ việc tại bệnh viện công, việc các bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Tiêu điểm - “Nhiều bệnh nhân phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài”                                                 ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận.

Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

“Trong điều kiện làm việc như thế, nếu họ được hưởng mức thù lao thỏa đáng, xứng đáng với công sức và đóng góp của họ thì họ sẽ toàn tâm toàn ý dành hết năng lực vào công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện mà không phải “chân trong chân ngoài” lo tất bật với phòng khám tư”, Đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Theo đại biểu Cường, đông đảo bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng, vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là thiết bị hiện đại hơn.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Từ những phân tích trên, đại biểu Cường hy vọng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này.

Tuy nhiên, đại biểu cũng còn băn khoăn khi những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.

Tiêu điểm - “Nhiều bệnh nhân phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài” (Hình 2).                                                           Các đại biểu tham dự phiên họp.

Do vậy, đại biểu Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi lần này một số nội dung:

Quy định về tự chủ của bệnh viện công tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

Cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám chữa bệnh, tự quyết định trong việc tổ chức bộ máy và con người, tự chủ và quyết định những vấn đề tài chính của bệnh viện kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư.

Cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã làm được.

Thêm nữa, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt đối với so với cơ chế chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí. Cơ chế tính đúng tính đủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh chưa tự chủ cần phải dựa vào yếu tố kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ y tế do Bộ Y tế ban hành. Nhưng với bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ y tế trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do đơn vị tự xây dựng và công khai tất cả các mặt hàng để người lao động trong bệnh viện cùng tham gia giám sát.

Định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh của từng bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau trong việc tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ.

Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ khác nhau dành cho đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như khác nhau về việc lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ khác nhau.

Cần định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với việc tự chủ để tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi trả tiền lương, cũng như tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo…

Cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập 

Góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu rõ, dù cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về dinh dưỡng trong điều trị.

Đại biểu mong muốn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này bởi đây là điều các đại biểu, các y bác sĩ, nhân viên y tế, những người công tác trong lĩnh vực y tế cũng như nhân dân đang mong mỏi.

 

Hoàng Thị Bích

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-benh-nhan-phai-mang-ngoai-te-di-ra-nuoc-ngoai-a579444.html