Bộ Y tế hướng dẫn cách tính thực đơn dành cho người béo muốn giảm cân

Đây là nội dung tại quyết định 2892/QĐ-BYT ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì".

Ngày 22/10, Bộ Y tế đã ra quyết định 2892/QĐ-BYT ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”.

Béo phì là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau

Theo nội dung tài liệu, ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc. Tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh tại Việt Nam khoảng 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 tương đương với tốc độ tăng trưởng 38%.

Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam trong thời gian từ 1975 - 2015 cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).

Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều mì ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và hải sản.

Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tương tự với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Tp.HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Béo phì được các tổ chức y tế bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) công nhận là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài.

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, làm giảm chất lượng sống,... Những biện pháp ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột quị, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa... Tình trạng tự chữa béo phì không có hiệu quả, nhiều biến cố nặng và tốn kém.

Hướng dẫn chuẩn đoán

Theo tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”, có 3 cách để chuẩn đoán bệnh béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI- Body mass index); Vòng bụng; Phương pháp DEXA hấp thụ năng lượng kép.

Trong đó, chỉ số BMI (kg/m2) được xác định dựa trên công thức "Cân nặng (kg)/Chiều cao (m2)". Dưới đây là bảng đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á:

BMI (kg/m2)

Phân loại

< 18,5

Thiếu cân

18,5 - 22,9

Bình thường

23-24,9

Thừa cân

25 - 29,9

Béo phì độ I

≥ 30

Béo phì độ II

Về vòng bụng, theo Bộ Y tế và Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam đánh giá kết quả: béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) khi vòng bụng ≥ 90 cm ở nam và ≥80 cm ở nữ.

Cách tính thực đơn dành cho người béo muốn giảm cân

Để điều trị bệnh béo phì, cần điều chỉnh hành vi ăn uống cá nhân và phải thay đổi dần dần, cộng với sự hỗ trợ của gia đình, xã hội, môi trường sống; Hạn chế số bữa ăn trong ngày (3 bữa là đủ), hạn chế ăn loại glucid hấp thu nhanh và các chất béo bão hoà, muối dưới 5g/ngày; Kiêng rượu; Chế độ ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt, không quá nhiều glucid, tỷ lệ thay đổi tùy cá thể theo bệnh lý mắc kèm, thói quen ăn uống;…

Bộ Y tế hướng dẫn cách tính thực đơn dành cho người béo muốn giảm cân được tính theo cân nặng lý tưởng: Cân nặng lý tưởng (CNLT) = (chiều cao)2 (m2) x 22

Chế độ ăn: Lao động nhẹ = CNLT x (20-25 calo); Lao động trung bình = CNLT x (25- 30 calo); Lao động nặng = CNLT x (30-35 calo)

Mục tiêu là giảm cân từ từ khoảng 2 - 3 kg/tháng. Phối hợp giáo dục với chế độ ăn cho bệnh nhân, phải theo dõi thường xuyên cân nặng và có biện pháp hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tập luyện hoạt động thể chất sức bền (aerobic) là một biện pháp thiết yếu trong các chương trình giảm cân cho người béo phì. Nên thực hiện các bài tập cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần, 3 - 5 lần/tuần, bắt đầu bằng bài tập cường độ thấp và tăng dần cường độ và số lượng tập thể dục theo mức độ thể dục cá nhân.

Đáng chú ý, chỉ định phẫu thuật giảm cân khi thất bại với các điều trị không phẫu thuật ở người bệnh có BMI ≥ 35 kg/m2 hay BMI ≥ 30 kg/m2 kèm bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì, như là: Phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày; Phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng; Phẫu thuật nối tắt dạ dày; Phẫu thuật phân lưu mật tụy; Phẫu thuật đảo dòng tá tràng; Phẫu thuật nối tắt dạ dày với 1 miệng nối (mini gastric bypass); Phẫu thuật khâu gấp nếp dạ dày; Phẫu thuật tạo hình dạ dày; Đặt bóng dạ dày (intragastric ballon – IRB).

 

Tuệ Minh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-y-te-huong-dan-cach-tinh-thuc-don-danh-cho-nguoi-beo-muon-giam-can-a579588.html