Trong cùng một buổi tối 24/10 đã xảy ra hai vụ giết người dã man vì mâu thuẫn tình cảm, thông tin này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hơn hết, điều này còn làm dấy lên mối lo ngại về sự vô cảm khi có nhiều người thản nhiên chứng kiến hành vi này, quay clip và đăng tải lên mạng xã hội.
Như vụ án xảy ra tại Bắc Ninh tối 24/10, diễn ra ngay trong một căn nhà tại mặt đường lớn, cửa kính có nhiều người qua lại, nhưng lại không nhận được bất cứ sự hỗ trợ kịp thời nào, thậm chí có người thản nhiên quay lại toàn bộ sự việc đăng tải lên mạng xã hội.
Sự vô cảm đến tột cùng
Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, (Đoàn Phú Yên) cho rằng, phải đánh giá khách quan, hiện nay đại đa số người trẻ có cách ứng xử văn minh trong tình yêu và cuộc sống, song cũng vẫn có những hiện tượng cá biệt dùng bạo lực, thậm chí sẵn sàng sát hại người yêu khi xảy ra mâu thuẫn tình cảm.
Mỗi sự việc đều có nguyên nhân khác nhau, song có thể những đối tượng thực hiện các hành vi này đều có những bất thường về mặt tâm lý, khi có những xung đột được đẩy lên đến đỉnh điểm, mất khả năng kiểm soát và dẫn đến những hành vi bạo lực dã man thậm chí là giết người.
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua, dù chứng kiến hành vi bạo lực, giết người dã man song nhiều người vẫn thờ ơ, quay clip, chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội là hết sức vô cảm. Hành động này cũng xuất phát từ chính tâm lý “vô can, né tránh” hoặc sợ hãi khi thấy đối tượng sử dụng hung khí, sợ bản thân gặp phải rủi ro nếu can thiệp.
“Thực sự đây là điều rất đáng buồn, giá như có sự can thiệp sớm hơn, có lẽ vụ việc đã không thương tâm đến vậy và cũng giảm được sự kích động về mặt tinh thần của đối tượng, hoặc ít ra nạn nhân sẽ không cảm thấy mình quá cô đơn đến tuyệt vọng khi trong hoàn cảnh nguy hiểm và không nhận được sự can thiệp, giúp đỡ”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa- Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn Đồng Tháp bức xúc khi chứng kiến liên tiếp các vụ bạo hành, giết người dã man để giải quyết mâu thuẫn tình cảm xảy ra trong thời gian qua.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội càng bức xúc hơn nữa khi một số người thay vì tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân thì lại thản nhiên quay clip đăng tải lên mạng xã hội.
“Đây là hành động không có tình người, thể hiện sự vô cảm đến tột cùng. Đây cũng không phải lần đầu, trước đó có nhiều vụ học sinh bị đánh hội đồng, nhưng vẫn có nhiều người đứng ngoài quay clip, thậm chí phát trực tiếp trên mạng xã hội mà không hề can ngăn”, đại biểu nói.
Cần đánh giá về đạo đức xã hội
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, cần có những giải pháp ngăn chặn, kịp thời giáo dục ngay từ gia đình, nhà trường để hạn chế những sự việc đau lòng diễn ra trong thời gian qua.
“Những vụ án mạng thương tâm xảy ra thời gian qua do ghen tuông, mâu thuẫn tình cảm là nỗi nhức nhối của xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đã đến lúc cần có những đánh giá lại về vi phạm trật tự, đạo đức xã hội, chúng ta cũng cần nhìn lại công tác giáo dục của các tổ chức đoàn thanh niên, gia đình, nhà trường với giới trẻ ra sao để kịp thời ngăn chặn tình trạng này”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Trong khi đó, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, điều quan trọng nhất là cần hướng giới trẻ đến việc yêu và sống tích cực, lạc quan, muốn vậy môi trường xã hội cần tốt hơn, đẩy mạnh việc tạo công ăn việc làm cho người trẻ để giảm bớt những rủi ro, ức chế cá nhân.
Theo đại biểu, việc giáo dục các mối quan hệ cần thay đổi từ trong trường học, gia đình và đoàn thanh niên. Thay vì ra quân vận động, phát động, các hoạt động của đoàn thanh niên cần đi vào chiều sâu để hiểu rõ cuộc sống, những gì mà người trẻ đang phải trải qua. Đặc biệt, mỗi người trẻ cần luyện cho mình cách nghĩ lạc quan, mạnh mẽ.
“Ngày nay thể chất của người trẻ có thể rất tốt, nhưng tinh thần lại vô cùng yếu đuối, khi gặp bất cứ trở ngại nào cũng thấy buồn, hay chỉ cần có một thành công nhỏ cũng đã kiêu hãnh quá mức, đây là trạng thái thần kinh yếu do đã quen với việc được bao bọc, nuông chiều và áp đặt”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhận định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng trong việc giáo dục cần thay đổi để người trẻ được sống, được học cách tự điều chỉnh hành vi của chính mình, vượt qua những áp lực. Bố mẹ hay thầy cô không thể theo sát các em mà chính các em phải chịu trách nhiệm với chính hành vi của mình. Đương nhiên cần có sự quan tâm của gia đình và nhà trường, xã hội.
“Chúng ta không thể bỏ rơi bất cứ ai, nhưng điều đó không có nghĩa là bao cấp, không thể để những bạn trẻ mãi không thể trưởng thành. Cũng không nên vì một vài hành động cá biệt mà đánh giá giới trẻ”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói thêm.
Hoàng Thị Bích
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dbqh-buc-xuc-truoc-hanh-vi-quay-clip-sat-hai-da-man-dang-len-mang-a579626.html