Chậm tiến độ 1 năm 4 tháng
Theo đó thanh tra Sở Giao thông vận tải Tp.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan đã thu hồi giấy phép thi công và tạm đình chỉ thi công đối với dự án nêu trên. Nguyên do, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã không tuân thủ trong các quy định về thi công, dẫn tới những bất cập về hạ tầng giao thông, mặt đường hư hỏng, xuống cấp… nhưng chậm khắc phục.
Tuy nhiên đến ngày 4/10 (sau 4 ngày thu hồi giấy phép), các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra việc khắc phục của đơn vị thi công và cho phép công trình tiếp tục triển khai thi công.
Như các bài trước đã phản ánh, dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ là một trong những dự án quan trọng tại khu vực quận 7 và trên trục đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên, dự án đang chậm tiến độ hơn 1 năm 4 tháng.
Cụ thể, dự án được khởi công từ tháng 4/2020, thời hạn thi công ghi tại bảng thông tin công trình là 420 ngày (tương đương 14 tháng). Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 10/2022 (đã chậm tiến độ 1 năm 4 tháng) nhưng mới đạt hơn 35% khối lượng công việc.
Lý giải về chậm tiến độ này, Trả lời PV Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Ban Đường bộ 4 (Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông – chủ đầu tư dự án) cho biết: “Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do đang chờ bồi thường, di dời tuyến điện cao thế và cấp nước. Việc di dời tuyến điện sẽ mất thời gian (khoảng 5 tháng), cấp nước cũng tương tự, tuy nhiên, phải phụ thuộc vào các bên liên quan. Khi nào có mặt bằng trống mới có thể thi công, vì điện cao thế và đường ống nước cấp 1 rất lớn”.
Về các khó khăn này lẽ ra đã phải lường trước, trả lời câu hỏi PV Người Đưa Tin, ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận dự án này từ đơn vị cũ, trong hồ sơ (của đơn vị cũ) đã có những vướng mắc này hết rồi. Khi triển khai từ đó tới giờ… là thời gian đòi hỏi là vậy đó. Việc bồi thường này (điện, nước) là tính bằng cả năm”.
Một cái khó nữa theo ông Tuấn đó là do “thiếu quy định hướng dẫn, quy định về thẩm quyền, về cách tính… Những vấn đề này thay đổi theo từng giai đoạn”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân, dự án chậm tiến độ còn do năng lực của các nhà thầu thi công, bởi, trên công trường, có lúc chỉ hiện diện 5-7 công nhân mà thôi.
Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng, chiều dài khoảng 480m, bao gồm đường dẫn hai đầu hầm và hầm kín. Đơn vị tư vấn giám sát là Liên danh CTCP Tư vấn xây dựng giao thông 2 - CTCP Tư vấn thiết kế cầu lớn hầm - Viện Công nghệ XDCĐ phía Nam.
Còn đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP Phát triển XD và TM Thuận An (Hà Nội) - Tổng Công ty Thăng Long (Hà Nội) - Công ty CP Hải Đăng (Tp.HCM).
Ngoài hai nhà thầu từ Hà Nội thì có một nhà thầu từ Tp.HCM là Công ty CP Hải Đăng. Đây được xem là doanh nghiệp kín tiếng nhưng trúng hàng loạt gói thầu trăm tỷ tại Tây Ninh và một số địa phương thời gian qua.
Toàn trúng gói thầu trăm tỷ
Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Hải Đăng được thành lập từ năm 2008 hiện có địa chỉ trụ sở chính đóng tại số 20 đường số 22, phường An Khánh, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM (trước đây có trụ sở tại số 9, đường QH6, đường Đặng Ngọc Chinh, phường 3, Tp. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh).
Công ty này trúng rất nhiều gói thầu tại Tây Ninh, được xem là những dự án trọng điểm của địa phương này.
Điển hình, liên danh Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tây Ninh vừa trúng Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đường tỉnh 794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2) với giá trúng thầu là hơn 426 tỷ đồng. Gói thầu do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng giao thông tỉnh Tây Ninh mời thầu.
Dù đây là gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất trong dự án cũng như tại Tây Ninh từ trước đến nay (qua mạng) nhưng có điều ngạc nhiên là đến thời điểm đóng thầu, duy nhất liên danh nhà thầu nêu trên tham gia dự thầu và trúng thầu.
Trước đó, Hải Đăng cũng trúng hàng loạt gói thầu tại Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng giao thông tỉnh Tây Ninh
Năm 2019, Công ty CP Hải Đăng trúng 1 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 793 - Đường tỉnh 792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc) với giá trúng thầu là hơn234 tỷ đồng (liên danh với Công ty TNHH Vũ Hoan).
Năm 2020, liên danh Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Xây lắp Thành An thực hiện Gói thầu 1 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đường ĐT 794 (đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 1) với giá trúng thầu là 430 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hải Đăng còn trúng gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Hệ thống thoát nước khu vực thành phố Tây Ninh - Hòa Thành, với giá gần 76 tỷ đồng.
Cũng một điều trùng hợp là liên danh Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An từng trúng gói thầu thi công xây dựng công trình đường tỉnh 793 (đoạn từ Km0+00 đến Km24+00 và các cầu Suối Núc, Kênh Tân Hưng, Suối Ky) thuộc tỉnh Tây Ninh. Giá trúng thầu của liên danh là hơn 300 tỷ đồng.
Gói thầu này cũng do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng giao thông tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư. Có hay không, doanh nghiệp kín tiếng như Hải Đăng “bao sân” tại Ban này?.
Liệu Hải Đăng có tiếp tục trở thành “con cưng” của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM như tại Tây Ninh hay không?.
Mới đây, công ty CP Hải Đăng còn trúng gói thầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể đó là gói thầu XL-02 thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Nhà thầu trúng thầu thi công gói thầu XL-02 là liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty CP Hải Đăng. Giá trị trúng thầu của gói thầu là 899,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng.
Theo thông tin mà PV có được, tính đến cuối năm 2020, Hải Đăng có vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó, ông Thái Trường Giang sở hữu 99,4% vốn điều lệ và vợ ông Giang, bà Lê Thị Thu Vân sở hữu 0,3% vốn điều lệ.
Theo thống kê của mạng đấu thầu, từ cuối năm 2015 đến năm 2020, Công ty CP Hải Đăng đã trúng 19 gói thầu, tổng trị giá khoảng hơn 2.100 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp “kín tiếng” nhưng toàn trúng các gói thầu lớn, đặc biệt ở Tây Ninh.
PV đã liên hệ đến Công ty CP Hải Đăng nhưng người đại diện cho biết: "Phải gửi công văn, giấy tờ... bằng đường bưu điện đến Công ty trước để xác minh, chứ không biết ai để báo cáo lãnh đạo Công ty cả".
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nha-thau-thi-cong-ham-chui-nguyen-van-linh-nguyen-huu-tho-la-ai-a579651.html