Nhiều năm về trước, công nghệ nha khoa chưa phát triển khiến việc đến gặp nha sĩ vốn luôn được coi là một trải nghiệm “ác mộng" của nhiều người. Dù sức khỏe răng miệng là yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và để có một nụ cười đẹp, tuy nhiên nhiều người lại cố né tránh đến phòng khám nha khoa vì cảm giác các kim loại đang “di chuyển" loạn xạ trong khoang miệng. Tuy nhiên đó là câu chuyện đã cũ, vì giờ đây những tiến bộ công nghệ mới đang làm cho các chuyến đi đến nha sĩ diễn ra “nhẹ nhàng" hơn.
Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ răng miệng ngày càng tăng.
Nhờ những công nghệ nha khoa tiên tiến, ngành nha khoa đang phát triển nhanh chóng. Cùng với đó, nhu cầu chăm sóc “cái răng cái tóc là góc con người" ngày càng được chú trọng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng ngày càng tăng cao. Phát triển theo xu hướng này, chuyên ngành bác sĩ nha khoa (hay còn gọi là nha sĩ) trở thành một ngành nghề hot hit “hái ra tiền" tại thị trường lao động.
Một số khảo sát cho thấy tại Việt Nam vẫn còn thiếu trầm trọng bác sĩ răng hàm mặt. Nếu như ở các nước phát triển, 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 1.000 - 2.000 dân thì ở Châu Á 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 5.000 dân, còn ở nước ta, tỷ lệ này trung bình là 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 25.000 dân. Bộ Y Tế từng đưa ra kết quả khảo sát cho thấy trên 90% người dân Việt Nam bị bệnh răng miệng. Riêng ở trẻ em 6-8 tuổi, hơn 85% bị bệnh sâu răng (trung bình là 5,4 chiếc) nhưng 94% trong số đó không được điều trị. Chính vì tình hình này mà các bệnh viện, phòng nha… đều ở trong tình trạng quá tải khách, luôn tuyển dụng nha sĩ có kỹ năng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của khách hàng.
Công việc của một nha sĩ không quá vất vả so với các ngành y tế khác.
Công việc của một nha sĩ được miêu tả bao gồm chăm sóc răng miệng, chẩn đoán và điều trị các chứng bệnh răng miệng. Giống như bác sĩ đa khoa, nha sĩ khám – kiểm tra tổng quát tất cả các loại bệnh nha khoa, tư vấn, đưa ra chẩn đoán và điều trị tất cả các loại bệnh nhân, từ người già đến trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các nha sĩ còn phải vận hành các thiết bị y tế, thuốc men, làm các thủ tục hành chính như hội chẩn, làm hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc, làm hồ sơ ra viện cho bệnh nhân…
Để trở thành một nha sĩ, bạn cần phải trải qua quá trình học tập kéo dài (từ 5 đến 7 năm cho một chương trình đào tạo tại các trường đại học) và học phí đắt đỏ (do thiết bị y tế, mô hình y khoa học răng - hàm - mặt rất đắt đỏ). Chưa kể sinh viên ngành nha khoa cũng cần dành rất nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ của bản thân do nha khoa là ngành vừa có kỹ thuật, lại yêu cầu kiến thức y tế.
Tuy nhiên, sau khi ra trường bác sĩ nha khoa có mức lương thuộc vào hàng “cực khủng". Nếu có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì bạn có thể sống sung túc với nghề nha sĩ, lên tới 50-70 triệu đồng/tháng. Nếu mở phòng nha riêng, có thương hiệu thì bác sĩ nha khoa sẽ “hái ra tiền". Theo một số khảo sát, mức lương của nha sĩ trung bình là 30.000.000 đồng, cho 8 giờ làm việc/ngày và 7 ngày/tuần. Khác với nghề y phải trực đêm, trực cấp cứu khá vất vả, ngành nha khoa đa số đều có giờ làm hành chính, bận rộn hơn vào các dịp cuối tuần do đây là thời điểm khách hàng dành thời gian để đi làm đẹp, thẩm mỹ, chăm sóc bản thân.
Với tính chất công việc đòi hỏi trình độ cao, lại thêm công việc có tương lai rộng mở, chế độ phúc lợi khá ổn nên điểm thi đầu vào của ngành Răng Hàm Mặt ở những cơ sở đào tạo đều rất cao, thậm chí chạm ngưỡng tối đa 30/30 điểm tổng. Trong 3 năm vừa qua, điểm chuẩn ngành Răng Hàm Mặt luôn nằm trong top đầu của cả nước. Năm 2021, Đại học Y Hà Nội có điểm chuẩn ngành Răng Hàm Mặt là 28,45. Năm 2020, điểm chuẩn ngành này còn cao hơn, lấy tới 28,65 điểm. Các cơ sở đào tạo nha sĩ nổi tiếng ở Việt Nam như Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y Đại học Quốc Gia TP.HCM cùng nhiều trường tư khác.
Tương lai rộng mở với nhóm ngành nha sĩ.
Lộ trình học tại Đại học Y Hà Nội và đại học Y dược TP.HCM là 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng Bác sĩ Răng Hàm Mặt và tiếp tục đi làm để thi đậu chứng chỉ hành nghề. Các vị trí mà một tân sinh viên khoa răng hàm mặt đảm nhiệm là nha sĩ tại các khoa Răng Hàm Mặt trong các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa độc lập, làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý hay tổ chức chuyên môn hoặc mở phòng nha riêng…
Để trở thành một nha sĩ, ngoài chuẩn bị kiến thức, học tập và rèn luyện chăm chỉ tại giảng đường đại học, bạn cần có lòng yêu nghề, thực hiện đầy đủ những nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức ngành y tương tự như những nhóm ngành y khác. Bởi vậy, nhiều người đã nhận định nha sĩ là người cần có trái tim của bác sĩ, bàn tay của kỹ sư và tâm hồn của nghệ sĩ. Ngoài ra, nếu muốn đặt được mức lương "khủng", bạn phải vô cùng chăm chỉ làm việc, tích lũy kinh nghiệm và gây dựng danh tiếng không ngừng.
HÀ ANH