Nhiều ngân hàng tăng vọt nợ xấu

Theo báo cáo tài chính vừa được công bố của một số ngân hàng, số liệu kinh doanh của các nhà băng này không mấy lạc quan khi nợ xấu tăng vọt, lợi nhuận lại giảm sâu.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, MCK: NVB) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2022 với mức lỗ ròng sau thuế hơn 196 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 64 tỷ đồng.

no xau loat ngan hang tang vot dspl                                               Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng cao. Ảnh minh hoa

Dù đã giảm dự phòng rủi ro đến 64% nhưng NCB vẫn ghi nhận lỗ thuần hơn 151 tỷ đồng, khiến nhà băng này lỗ trước thuế gần 199 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý III đã kéo lỗ sau thuế của NCB lũy kế 9 tháng đầu năm xuống mức âm hơn 180 tỷ đồng, trong lúc cùng kỳ năm trước lãi gần 165 tỷ đồng. NCB cũng là ngân hàng đầu tiên trong số ngân hàng niêm yết đã công bố BCTC đến thời điểm này báo lỗ.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu của NCB tăng gấp 5,3 lần đầu năm, lên 6.648 tỷ đồng. Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu của NCB tăng vọt lên trên mức 14,7% vào cuối quý III, tương đương cứ 100 đồng thì có 14,7 đồng nợ xấu.

Nguyên nhân thu nhập lãi thuần giảm và chi phí dự phòng rủi ro tăng bởi ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN, thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại.

Ngoài NCB, nhiều ngân hàng khác cũng rơi vào cảnh nợ xấu tăng cao. Cụ thể, tính đến cuối quý III/2022, nợ xấu trên dư nợ vay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, MCK: VBB) tăng 35% so với đầu năm, chiếm 2.486 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi ghi nhận 1.841 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.

Khác với NCB, VietBank vẫn có lãi trước thuế 9 tháng gần 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán ABB) cũng công bố BCTC hợp nhất, với lãi ròng sau thuế chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước.

Sự biến động giảm lợi nhuận trong quý vừa qua đến từ việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng do trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt (VAMC), đồng thời thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo thông tư mới.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, nhà băng này vẫn có lãi hơn 1.397 tỷ đồng, tăng 9%. Tuy nhiên, tính đến 30/9, ABBank ghi nhận gần 1.896 tỷ đồng nợ xấu, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.207 tỷ đồng, tăng 40%. Dư nợ cho vay khách hàng và tổng nợ xấu có tốc độ tăng trưởng ngang nhau nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng xấp xỉ mức đầu năm là 2,35%.

 

 

Bạch Hiền

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-ngan-hang-tang-vot-no-xau-a579772.html