Bí đao còn gọi là bí xanh, bí phấn... là một loại quả dùng như rau tươi và làm mứt rất thông dụng. Trong thành phần của bí đao phần lớn là nước, không chứa lipid. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C...
Còn theo y học cổ truyền, bí đao vị ngọt nhẹ, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt và làm tan đờm, làm mát ruột và hết khát, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc.
Trong bí đao chứa nhiều nước, nhiệt lượng thấp, không có chất béo, nên rất tốt cho quá trình giảm cân. Bên cạnh đó, bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc. Hạt bí, vỏ bí, lá bí, dây bí, hoa bí cũng đều có thể làm thuốc và là thức ăn hàng ngày rất tốt.
Ngoài ra, bí đao còn có tác dụng trong phòng, chữa một số bệnh như: táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn…
Các nghiên cứu cho thấy, hàm lượng natri trong bí đao rất thấp nên có tác dụng trị liệu cho những người mắc các chứng bệnh như: xơ cứng động mạch, tiểu đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng, bệnh cao huyết áp.
Bí đao vốn là một loại rau quả mát nhất, chỉ đứng sau dưa chuột, bắp cải, tương đương với cà chua. Do đó, khi cơ thể bị nhiệt, chúng ta nên thường xuyên dùng bí đao để nấu canh như canh bí đao với tôm nõn, canh bí đao nấu sườn lợn, gà… hoặc luộc chấm muối vừng ăn mỗi ngày cũng rất tốt.
Mặc dù bí xanh có nhiều công dụng đối với sức khỏe tuy nhiên chúng ta phải biết cách sử dụng và ăn bí đao như thế nào cho đúng cách, nếu không sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế, để giảm béo, giữ eo thon, nhiều người thường xuyên ăn sống bí đao hoặc xay bí đao sống lấy nước uống như uống sinh tố. Điều này là sai lầm tai hại. Bí đao sống có tính xà phòng rất cao, ngày xưa ở các làng dệt vải người ta thường lợi dụng tính chất này của bí đao dùng nước bí đao sống để tẩy trắng vải thay cho thuốc tẩy. Vì thế, nếu bạn ăn sống bí đao hoặc uống nước bí đao sống được xay như sinh tố để mong làm đẹp thì không nên vì tính chất xà phòng của bí đao sống sẽ gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa của bạn.
Tuy nhiên, bí đao khi được nấu với rượu làm cao bí đao hoặc được đun chín kỹ tính xà phòng gần như mất hết nên thường xuyên ăn bí đao nấu kỹ hay uống nước bí đao luộc thì được.
Vì vậy nếu có ý định giảm cân bằng bí đao bạn vẫn có thể áp dụng. Lưu ý, chọn cách giảm cân bằng bí đao, bạn vẫn nên duy trì chế độ ăn sáng và ăn trưa như bình thường, lựa chọn thực đơn cân bằng, giàu rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ, giúp tăng cường trao đổi chất và đốt cháy năng lượng dư thừa.
Riêng với bữa chiều, trước 7h tối, bạn sẽ sử dụng bí đao hoàn toàn thay cơm. Bạn có thể ăn bí đao luộc, bí đao hấp cùng uống nước luộc bí đao hay có thể chế biến một số món khác từ bí để thay đổi khẩu vị như món canh bí đao nấu gừng, bí đao nấu canh tôm, bí đao xào tỏi (với lượng dầu ăn tối thiểu).
Thời gian đầu nếu chưa quen, bạn có thể ăn bí đao như một món chính trong bữa cùng cơm, canh... Sau đó, khi đã quen, bạn hãy dần dần ăn bí đao thay cơm hoàn toàn để việc giảm cân thực sự hiệu quả.
Một tuần bạn chỉ cần ăn 3 - 4 bữa bí đao thay cơm vào buổi tối là đủ. Mỗi lần ăn như vậy, bạn chỉ nên ăn tối đa 500g bí đao luộc và 1 lít nước luộc. Nếu vẫn còn đói, bạn có thể ăn thêm hoa quả, rau xanh khác.
Những người bị huyết áp thấp không nên giảm cân bằng bí đao vì rất dễ làm hạ huyết áp.
Minh Hoa
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sai-lam-tai-hai-khi-dung-bi-dao-ma-nhieu-nguoi-khong-biet-a579841.html