Y tế vẫn chưa thực sự hết chao đảo
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 28/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Tp.Hà Nội) nêu rõ, Việt Nam đã đạt được 3 thành công lớn trong 9 tháng vừa qua.
Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thứ hai, kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, bối cảnh thế giới nhiều biến đổi khó lường, nhưng đất nước ta vẫn giữ được ổn định với đường lối ngoại giao mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đường lối ngoại giao Cây tre, giữa những mâu thuẫn, Việt Nam không chọn phe, mà chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa.
Tuy nhiên, đất nước vẫn còn những vấn đề đáng lo lắng, quan ngại. Trước hết, về y tế, đại biểu bày tỏ: “Nền y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo, đến nay vẫn chưa thực sự hết chao đảo, cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công, thuốc men, sinh phẩm bị thiếu, việc mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ”.
Đại biểu đoàn Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân, nhưng cần thấy dù bất cứ lý do nào không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với nhân dân. Bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết chấm dứt tình trạng này.
Về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, cần thấy không thực hiện được tự chủ ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối đó là sự thất bại. Nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ thì phải cho họ tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.
Đại biểu cũng cho biết, gần đây, xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang băng hoại, suy thoái. Việt Nam cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Đại biểu đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp cho các vấn đề suy thoái đạo đức này.
Về vấn đề còn một số cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, đại biểu bày tỏ tin tưởng tinh thần chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, của Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng cán bộ công chức vi phạm vẫn là con số đáng buồn.
Đại biểu đề nghị để hạn chế các sai sót của cán bộ cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức.
Ngăn tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc
Đóng góp ý kiến tại hội trường, ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu thêm một số vấn đề trong ngành y tế.
Về nguồn nhân lực y tế: Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, nhân lực đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng quyết định đến thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, làn sóng chuyển từ khu vực công sang tư khiến việc phấn đấu chỉ tiêu năm 2023 đạt 12 bác sĩ trên 10.000 dân phải cần tăng thêm 20.000 bác sĩ.
“Đây là một vấn đề thách thức cho ngành y tế nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ trước mắt để ngăn tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc. Để đào tạo một cán bộ y tế giỏi không phải một sớm một chiều”, đại biểu đoàn Thái Bình nhận định.
Trong những ngày qua các ĐBQH đã chỉ rõ nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân áp lực công việc, đại biểu Khánh Thu cho rằng đúng nhưng không phải bây giờ ngành y tế mới làm việc trong áp lực. Trong thời gian thảo luận xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các ĐBQH cũng đã nêu lên quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người hành nghề, của cơ sở khám chữa bệnh đều hướng tới mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm”.
“Nhưng có lẽ, chưa bao giờ những vụ bạo hành nhân viên y tế lại dễ dàng trong thời gian qua và đặc biệt lại xảy ra sau 2 năm chống dịch Covid-19 khi mỗi cán bộ y tế làm việc với cường độ cao, môi trường nguy hiểm, kéo dài, áp lực từ dư luận, xã hội lên toàn ngành sau những sai phạm được phát hiện đã tác động đến tâm lý, động lực làm việc của mỗi cán bộ, viên chức ngành y tế chúng tôi”, đại biểu trăn trở.
Lấy ví dụ cụ thể về lương, phụ cấp của nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, đại biểu Khánh Thu cho biết: “Một bác sĩ sau khi học 6 năm, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề nếu tuyển dụng vào đơn vị công lập ngay thì nhận được 3.486.000 đồng, phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Sau khi nộp các khoản phí, BHXH, BHYT thì một bác sĩ lương nhận về chưa đến 4 triệu đồng, một điều dưỡng chưa đến 3 triệu đồng”.
Đối với tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế đã được một số ĐBQH nêu là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh kiểm tra do vậy không dám làm, không dám đấu thầu theo nữ đại biểu tỉnh Thái Bình là không hoàn toàn phải nguyên nhân chính.
ĐBQH Trần Khánh Thu nêu dẫn chứng, tại tỉnh Thái Bình trong 9 tháng đầu năm 2022 các gói đấu thầu tập trung ở các địa phương thì cơ sở y tế tỉnh đã đấu thầu mua sắm 304 gói thầu nhưng số trúng thầu chỉ đạt 60-70% đối với danh mục trúng thầu.
Thậm chí có những gói thầu không trúng đến 91,4%, nguyên nhân của vấn đề này là các văn bản pháp lý mà đại biểu đã nêu lên và chúng tôi cũng đề nghị để hoàn thành được các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân nhưng vẫn đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
"Do đó, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ khó khăn, thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục”, đại biểu Trần Khánh Thu nói.
Trong lúc chưa thể chế được, sửa chữa được văn bản pháp luật, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội có giải pháp cấp bách đưa vào Nghị quyết kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay; Quốc hội cho phép xem xét tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc;
Chính phủ giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa vượt tổng mức thanh toán; Chính phủ khẩn trương đôn đốc thực hiện giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực y tế, của hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong việc phân bổ ngân sách Nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.
Hoàng Thị Bích
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dbqh-tu-chu-benh-vien-co-nguy-co-bi-do-vo-a579851.html