Ổ dịch cúm B ở Bắc Kạn khiến hơn 700 trẻ sốt cao giờ ra sao?

Sau khi xuất hiện tình trạng hàng trăm học sinh bị sốt phải nhập viện và có kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm B, ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo khẩn.

Ổ dịch cúm B khiến hơn 700 học sinh nhiễm bệnh đã được kiểm soát

Sáng 28/10, ông Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết, dịch cúm B tại huyện Chợ Đồn của tỉnh đến nay cơ bản được kiểm soát.

Hiện các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Nhi đã lên làm việc, hỗ trợ địa phương tại Chợ Đồn. Hai đơn vị này đã đưa ra hướng dẫn chuyên môn từ điều trị đến dự phòng cho cơ sở.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, các ca bệnh do sốt tại huyện Chợ Đồn đã ghi nhận 736 trường hợp bao gồm cả Trường mầm non, đặc biệt là Trường Tiểu học Thị Trấn Bằng Lũng có 95/731 học sinh nghỉ học do ốm, sốt cao trong đó có 1 học sinh đã tử vong tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cúm mùa là bệnh lý nguy hiểm bởi tính chất lây lan nhanh và có thể bùng phát thành dịch. Tỷ lệ tấn công của bệnh là 5-10% với người lớn và 20-30% ở trẻ em.

Trong đó, nhóm trẻ 5-9 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong đạt đỉnh ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, người già và người lớn tuổi mắc bệnh nền.

Chuyên gia khuyến cáo

Theo TS. Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, virút cúm có khả năng lây nhiễm ở mức độ trung bình, tức là một người nhiễm bệnh sẽ lây cho một hoặc hai người khác chưa có miễn dịch.

Virút cúm có hai cách lây truyền chính. Thứ nhất, qua những giọt bắn lớn, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng và mũi của họ (khiến những người trong phạm vi 1m bị nhiễm bệnh).

Đây là lý do tại sao điều quan trọng là cần che miệng và mũi (tốt nhất là bằng khăn giấy dùng một lần) khi họ ho hoặc hắt hơi. Các giọt nhỏ hơn ở dạng khí dung, có khả năng bay đi xa, lại ít có khả năng mang virút hơn, do đó thường chỉ những người gần gũi với người bị cúm mới có nguy cơ mắc bệnh.

Thứ hai, virút cúm có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với màng nhầy ở mũi, miệng và cổ họng, ví dụ như trên tay của những người bị bệnh chà xát mũi của họ. Đó là lý do tại sao vệ sinh tay và sử dụng khăn tay dùng một lần đúng cách rất quan trọng để phòng lây nhiễm.

Để phòng bệnh cúm, TS. BS Hải Ninh cho rằng người dân nên giữ thói quen thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ tiếp xúc với virút cúm trong mùa cúm. Nó cũng bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng khác; Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách: Che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

“Người dân nên ở nhà nếu không khỏe và bị sốt. Những người bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp nên được khuyên ở nhà. Những người bị nhiễm cúm rất dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh.

Tiêm phòng định kỳ hàng năm nếu được khuyến cáo. Vắc xin ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng”, TS. BS Hải Ninh khuyến cáo.

Ngoài ra, bác sĩ truyền nhiễm này cũng lưu ý người dân nên đeo khẩu trang ở những không gian công cộng có hạn chế thông khí, như cửa hàng, siêu thị và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc, không thể thực hiện giãn cách.

Đặc biệt, bệnh nhân cúm cũng cần đeo khẩu trang để hạn chế phát tán virút sang người khác.

Bên cạnh đó các bác sĩ khuyến cáo, cúm là bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng vẫn biến chứng nặng nếu không được phát hiện, giám sát, tư vấn kịp thời. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên theo dõi, nếu trẻ sốt, có dấu hiệu bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế để hướng dẫn chăm sóc, điều trị.

Cúm B do virus lành tính gây ra, lây qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh từ một đến ba ngày và diễn biến bệnh từ ba đến 5 ngày. Bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là với những người hệ miễn dịch yếu. Biến chứng nặng nhất là suy hô hấp, biểu hiện rõ nhất là khi người mắc cúm đã quá 3 đến 5 ngày mà vẫn tiếp diễn, kèm triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu.

Gia đình cần theo dõi trẻ, khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay, như khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều... Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay tích trữ thuốc tại nhà.

 

 

Trúc Chi

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/o-dich-cum-b-o-bac-kan-khien-hon-700-tre-sot-cao-gio-ra-sao-a579884.html