Quý III/2022, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm 1.786 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi tới gần 10.351 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ngành thép này đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt thực hiện 76% và 39% kế hoạch kinh doanh năm. Trong đó, lĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận cho toàn Tập đoàn.
Hoà Phát lý giải, kết quả kinh doanh trên đến từ việc nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó là giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường. Ngoài ra, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh khiến doanh nghiệp phải gánh lỗ trong kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn cho biết đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, tương đương cùng kỳ 2021.
Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021. Thép xây dựng ghi nhận 3,4 triệu tấn sau 9 tháng, tăng 24%, trong đó thị trường xuất khẩu đóng góp hơn 1 triệu tấn, tương đương cả năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng từ 32,6% lên 36% đối với thép xây dựng, từ 24,7% lên 29% đối với ống thép và tiếp tục duy trì trong Quý III/2022.
Với dòng sản phẩm thép cuộn cán nóng, Tập đoàn đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 2 triệu tấn, tăng 5% so với 9 tháng 2021 và đóng góp 36% sản lượng của chung của Hòa Phát thời gian qua. Sản phẩm hạ nguồn HRC là ống thép đạt 577 nghìn tấn, tăng 16%; tôn mạ các loại ghi nhận 249 nghìn tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Quý III/2022, doanh thu từ nông nghiệp của công ty tăng 10%, lợi nhuận tăng 32% so với cùng kỳ quý III/2021. Tính chung 9 tháng, mảng hoạt động này đã có lãi trở lại.
Thông tin thêm, Tập đoàn chia sẻ hiện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Trung tâm sản xuất hàng điện lạnh, điện máy gia dụng tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đồng thời, dự án Dung Quất 2 với sản lượng 5,6 triệu tấn HRC cũng đang được triển khai đúng tiến độ.
Trên thị trường chứng khoán, không nằm ngoài xu hướng giảm chung, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát có diễn biến giảm khiến quy mô tài sản của doanh nghiệp vì thế cũng giảm theo.
Chốt phiên ngày 28/10, cổ phiếu HPG dừng tại mức giá 16.800 đồng/cổ phiếu, giảm 3,45% so với phiên liền kề trước đó. Vốn hóa thị trường của HPG theo đó cũng "bốc hơi" khoảng 6,5 tỷ USD trong vòng 1 năm qua, xuống chỉ còn gần 98.000 tỷ đồng.
Trước đó, cổ phiếu HPG đã có liên tiếp 7 phiên giảm sâu. Theo tìm hiểu, tỷ phú USD Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của Hoà Phát hiện đang sở hữu hơn 1,6 triệu cổ phiếu HPG, tương đương với 26,08% vốn điều lệ của Hoà Phát. Việc cổ phiếu giảm mạnh khiến khối tài sản quy từ cổ phiếu HPG của vị tỷ phú này đã giảm tới 4.700 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tuần.
Ngoài ra, theo tính toán của Forbes, cổ phiếu HPG đã giảm khoảng 54% trong 9 tháng đầu năm, khiến tài sản của ông Long bốc hơi 1,6 tỷ USD. Theo ghi nhận vào đầu năm, tài sản ròng của ông là 3,2 tỷ USD, như vậy thị trường chứng khoán đã "thổi bay" một nửa khối tài sản của vị tỷ phú USD này.
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tap-doan-cua-vua-thep-tran-dinh-long-lo-gan-1800-ty-trong-quy-iii-a580030.html