Tính đến chiều 30/10 (giờ Việt Nam), số người tử vong trong vụ giẫm đạp đêm trước tại Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) đã lên đến 153 người. Con số này có thể còn tiếp tục tăng vì 19 người khác, trong số 82 người bị thương, vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo cơ quan cứu hộ, có 22 người nước ngoài, trong đó có một người Việt Nam bị thiệt mạng trong thảm họa này.
Trang Yonhap cho hay, trong số các nạn nhân thiệt mạng, có gần 100 người là nữ, còn lại là nam giới. Theo các chuyên gia, phụ nữ có nguy cơ tử vong cao hơn trong các vụ giẫm đạp do có ngoại hình nhỏ nhắn hơn, lại thường mặc trang phục Halloween cầu kỳ.
Một nam thanh niên người Việt là nhân chứng sống sót sau thảm kịch giẫm đạp ở Hàn Quốc chia sẻ rằng, trong đám đông lúc đó, nhiều bạn nữ thấp bé bị lọt thỏm nên không thể thở được, dễ bị ngất xỉu và ngã xuống.
Các số liệu thống kê dẫn từ trang web của UNDP cũng cho thấy, nhìn chung khi có thảm họa xảy ra, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần nam giới.
Hiện trường vụ giẫm đạp ngày 29/10 tại phố Itaewon ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
Vì sao người ta có thể chết trong các đám đông hỗn loạn?
Giáo sư thỉnh giảng G. Keith Still thuộc Đại học Suffolk (Anh), người từng nghiên cứu trên 100 thảm họa giẫm đạp nhận định, các vụ giẫm đạp thường có tính chất như nhau.
Thứ nhất, mật độ đám đông thường là nhân tố hàng đầu trong các vụ đám đông hỗn loạn. Dù vậy, tình huống giẫm đạp lên nhau thường nảy sinh khi có “chất xúc tác” khiến mọi người hoảng loạn và cùng lao về một hướng.
Chẳng hạn, vụ việc xảy ra năm 1988 khiến 93 cổ động viên Nepal thiệt mạng. Khi các cổ động viên đang tập trung tại cửa ra sân vận động thì xảy ra mưa đá. Đám đông sau đó đã chen chúc tìm chỗ trú khiến tình hình trở nên hỗn loạn và dẫn tới thảm họa.
Thảm kịch tương tự tại một sân bóng đá ở Indonesia hồi đầu tháng 10 cũng khiến 127 người tử vong. Mọi việc xuất phát từ sự xung đột giữa nhóm cổ động viên và cảnh sát nhưng nguyên nhân chính khiến nhiều người tử vong lại do đám đông hoảng loạn khi cảnh sát bắn hơi cay nhằm kiểm soát tình hình. Việc này khiến tất cả cùng đổ ra cổng để thoát ra rồi mắc kẹt tại đó và đạp lên nhau.
Khi khảo sát nguyên nhân tử vong của những nạn nhân trong các vụ đám đông hoảng loạn, các chuyên gia xác định 3 nguyên nhân chính sau:
- Chết vì ngạt thở (hay gặp nhất);
- Chết vì bị chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau);
- Chết vì bị giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm lên người).
Nhân viên cứu hộ dùng cáng di chuyển nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở khu Itaewon, Seoul, đêm 29/10. Ảnh: AFP.
Cần làm gì để tránh thảm họa bị giẫm đạp đến chết trong các đám đông hỗn loạn?
Khi tham dự các sự kiện đông người, lúc bắt đầu có cảm giác bị mắc kẹt, chèn ép và không chủ động được hướng di chuyển, nên nghĩ tới việc tách khỏi dòng đám đông này. Lý do là, trong cùng một thời điểm, những người ở khu vực trung tâm vừa bị chèn ép, vừa bị mắc kẹt, vừa thiếu oxy sẽ có thể xảy ra hiện tượng ngất xỉu. Khi một vài người ngất xỉu ngã xuống sẽ tạo ra sự hoảng loạn khiến nhiều người ngất xỉu theo. Đây là hội chứng tâm lý dây chuyền khiến nhiều người ngã rạp xuống và trở thành các chướng ngại vật khiến đám đông càng bị mắc kẹt lại với nhau, gia tăng hoảng loạn - dễ dẫn tới hiện tượng giẫm đạp.
Ngoài ra, những sự cố bất ngờ như cháy nổ, sập công trình, tiếng la hét giả… cũng dễ khiến mọi người hoảng loạn tâm lý. Do đó, nếu thấy dòng người đang quá đông thì nên tản ra, đừng tiếp tục đi vào đó.
Ngoài ra, khi xung quanh đông đúc, chen lấn, mọi người trở nên căng thẳng hơn, rất dễ nổi nóng, bực bội vì một vài va chạm nhỏ. Nhiều người còn trở nên hung hăng, sẵn sàng xô đẩy, chen lấn để vượt lên, tìm chỗ trống cho mình.
Mặc dù các chuyên gia luôn thận trọng khi đưa ra những lời khuyên về cách ứng xử khi xảy ra những tình huống hoảng loạn nhưng họ khuyên điều tiên quyết là người mắc kẹt phải bình tĩnh để đánh giá tình hình. Nếu cứ cắm đầu chạy, xô đẩy giẫm đạp nhau tìm cách thoát thân mà chẳng suy nghĩ thì càng dễ bị mắc kẹt và gặp nạn.
Ngoài ra, khi xảy ra tình trạng đám đông hoảng loạn, giẫm đạp, xô đẩy, bạn cần:
- Tuyệt đối không chạy theo đám đông trong những phút đầu tiên vì khả năng bị mắc kẹt rất cao..
- Tránh la hét hay tạo ra tiếng nổ, không phao tin giả gây hoang mang khiến đám đông dễ mất kiểm soát.
- Quan sát xung quanh tìm những vị trí đã định vị sẵn như: tòa nhà, công viên, hay cửa thoát hiểm gần nhất và tìm cách di chuyển về hướng đó.
- Tránh xa các bức tường, rào chắn để khỏi bị đám đông ép vào đó. Khi một đám đông dồn về một phía sẽ tạo nên một lực tác động lớn, có thể xô sập các bức tường gạch chắc chắn.
- Nếu bị kẹt giữa dòng người, hãy di chuyển cùng họ và giữ 2 tay che trước ngực như tư thế của võ sĩ quyền Anh để bảo vệ ngực.
- Không đứng yên một chỗ hay ngồi xuống. Cũng đừng cố gắng cắt ngang hoặc đi ngược lại đám đông vì sẽ mất sức và dễ bị người khác xô ngã.
- Di chuyển xéo góc vào những khoảng trống trong dòng người đang chạy và quan sát xung quanh tìm cơ hội thoát khỏi đám đông.
- Cố giữ thăng bằng đừng để bị ngã. Nếu ngã, hãy cố đứng dậy, nếu không đứng được thì bò theo đám đông. Nếu không bò nổi thì nằm nghiêng co rúm người lại như tư thế thai nhi, hai tay che đầu. Không nằm sấp hay ngửa vì dễ bị giẫm đạp làm chấn thương phổi.
LINH LINH (TỔNG HỢP)