Bảo vệ người tiêu dùng để không mua phải những sản phẩm giá "trên trời"

Các ĐBQH cho rằng với các dịch vụ khó, đắt tiền, chuyên môn đặc thù cần có chính sách để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Bảo vệ theo các dịch vụ khó, đắt, chuyên môn đặc thù

Sáng 2/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các ĐBQH thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đi sâu vào Điều 7 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương, đại biểu đồng tình với điều này và nhấn mạnh tính nhân văn rất rõ.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý thêm bảo vệ theo loại dịch vụ, nhất là các dịch vụ khó, đắt, chuyên môn đặc thù.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ví dụ về dịch vụ tế bào gốc, làm đẹp bằng tế bào gốc nhiều khi hiệu quả của dịch vụ không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng không khéo dùng vào tốn không phải hàng chục triệu mà có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng hiệu quả không mong muốn.

“Về tế bào gốc, có thể nói là thần dược nhưng có một điều là thần dược ấy không phải lĩnh vực nào cũng đáp ứng trên cơ thể được và dùng được hiệu quả. Duy nhất là tế bào gốc dùng để ghép, điều trị các bệnh về máu, ung thư máu… rất hiệu quả, đây là điều cả thế giới công nhận”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết.

Theo đại biểu, làm đẹp, trẻ hóa da bằng tế bào gốc…thì còn mơ hồ, nhưng nhiều nơi đã đưa vào áp dụng. Một dịch vụ như vậy là rất đắt, nên đại biểu cho rằng cần phải có biện pháp bảo vệ rõ ràng.

Tiêu điểm - Bảo vệ người tiêu dùng để không mua phải những sản phẩm giá 'trên trời'                                                      ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Hoàng Bích).

“Tất cả những dịch vụ được tổ chức, đặc thù, tốn kém nhiều…thì cần có cách để bảo vệ cho phù hợp”, đại biểu nhấn mạnh.

Ở Điều 89, trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu đề nghị chú ý các thông tin liên quan đến tật bệnh như đình chỉ thai nghén, hiến mô tạng.

Theo đại biểu, từng có thời điểm có những người đi hiến máu cũng bị dè bỉu vì tưởng là đi bán máu, hoặc có người hiến mô tạng về lại bị nói là bán xác con để kiếm tiền… Vì thế, cần có chính sách để bảo vệ việc làm đó.

Ở Điều 10, thông báo thu thập sử dụng thông tin đây là điều hết sức đúng, nhưng đại biểu đề nghị cần làm sâu sắc hơn nữa. Đặc biệt là tôn trọng quyền riêng tư nhân phẩm.

Làm rõ trách nhiệm người sản xuất và người phân phối

Cho ý kiến về quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) quan tâm đến đối tượng người cao tuổi.

Về dịch vụ đối với người tiêu dùng, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đưa ra quyền và trách nhiệm rất nhiều, nhưng quyền được tư vấn thì hầu như không có, không có người tư vấn sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt… Và nếu không có người tư vấn, người tiêu dùng không hiểu biết thì rất khó bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. 

Đại biểu Xuân Cừ chia sẻ, hiện nay người cao tuổi là người bị tổn thương nhiều nhất các sản phẩm về chữa bệnh.

“95% người cao tuổi có 2,9 bệnh nền, cho nên các sản phẩm về thuốc hiện nay nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn”, đại biểu bày tỏ sự trăn trở.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, hiện các đơn vị tư nhân sản xuất rất nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ đông y đến tây y, trong luật nêu ra các đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cụ thể với từng đối tượng thế nào thì chưa rõ, nên cần phải làm rõ thêm.

“Tôi lấy ví dụ một túi hàng hiệu trị giá 200 triệu nhưng không được tư vấn cẩn thận người tiêu dùng có thể mua phải hàng không chuẩn (giá chỉ 4 triệu mà phải mua với giá vài trăm triệu). Cho nên, cần phải cho người tiêu dùng được tư vấn đầy đủ những sản phẩm muốn mua, có nhu cầu”, đại biểu nêu.

Tiêu điểm - Bảo vệ người tiêu dùng để không mua phải những sản phẩm giá 'trên trời' (Hình 2).                                     ĐBQH Trương Xuân Cừ phát biểu ý kiến (Ảnh: Hoàng Bích).

Thêm nữa, trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Xuân Cừ cho rằng việc xử lý các nhà sản xuất và phân phối hiện còn rất nhẹ.

Đại biểu nêu dẫn chứng ngay tại các địa phương, đối tượng người cao tuổi được giới thiệu rất nhiều các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thậm chí có cả giấy tờ chứng minh nhưng không loại trừ đó là giấy giả. Vì thế, theo đại biểu xử lý với các sản phẩm giả, các sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn cần được quan tâm, xử lý nghiêm. Bởi, thuốc giả mà dùng thì rất nguy hiểm.

Vì thế, đại biểu đề nghị cần phải có quy định cụ thể đối với người sản xuất và người phân phối thì mới bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng. 

Bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đóng góp vào Điều 15 về “Quyền lợi của người tiêu dùng”.

Theo đại biểu, chúng ta cần phải bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả. Bởi, người tiêu dùng mua phải giá cả “trên trời”, khi nhà cung cấp đưa ra một sản phẩm nhưng không biết giá cả thực tế là bao nhiêu nên người tiêu dùng rất dễ bị lừa.

Cũng tại Điều 14, phần thứ 4 có nêu “Người tiêu dùng được góp ý kiến đối với tổ chức kinh doanh về giá cả”, theo đại biểu việc đóng góp ý kiến là rất khó và nên thay bằng cụm từ “cung cấp giá trị của sản phẩm” sẽ phù hợp.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh cũng đóng góp ý kiến tại Điều 18 về “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Ông Khánh cho rằng, ý này rất chung chung và nên chăng chúng ta có cần làm rõ hay không? Bởi thực tế khi người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài mạnh.

Tiêu điểm - Bảo vệ người tiêu dùng để không mua phải những sản phẩm giá 'trên trời' (Hình 3).                     Cần phải bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả (Ảnh: Hữu Thắng).

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Vừa rồi có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra”.

Từ đó, Đại biểu đoàn Đồng Nai đặt ra băn khoăn, việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa. Đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó. “Điều 18 về xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng có 3 tiêu chí nhưng rất chung chung nên cần phải bổ sung thế nào, ra sao để làm rõ hơn”, đại biểu Đỗ Huy Khánh kiến nghị.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-de-khong-mua-phai-nhung-san-pham-gia-tren-troi-a580346.html