TP.HCM dự kiến cấm xe khách vào nội đô, mạnh tay xử lý xe dù, bến cóc

TP.HCM đang lên kế hoạch cấm xe khách giường nằm vào nội đô nhằm chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại nhiều năm nay.

Lên phương án cấm xe giường nằm vào nội đô

Theo ghi nhận của báo Lao Động, từ đầu tháng 10, tình trạng “xe dù, bến cóc” ở Tp.HCM bùng phát hơn sau đợt di dời 79 tuyến xe khách từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) về bến xe Miền Đông mới (Tp.Thủ Đức). Ước tính, khoảng 140 trong gần 300 chuyến xe đã rời bỏ bến Miền Đông ra ngoài đón khách.

Một số điểm nóng tập trung “xe dù, bến cóc” là đường Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, khu vực giao lộ Trần Nhân Tôn - Vĩnh Viễn (quận 10), Nguyễn Trãi (quận 5), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), các tuyến đường hướng từ quốc lộ 1, trung tâm Tp.HCM về bến xe Miền Tây và bến xe Miền Đông mới. 

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM cho biết, trên địa bàn Tp.HCM có 58 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh với 1.579 phương tiện. Trong khi đó, có hơn 1.351 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với hơn 90.800 phương tiện.

Theo ông Hưng, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch thường đón trả khách tại các bến bãi, các điểm không đúng quy định. “Các đơn vị này được đón trả khách tại các điểm đã ghi trong hợp đồng nhưng thực sự họ thu gom hành khách lẻ tương tự như hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách”, ông Hưng cho biết.

Trước tình trạng này, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, cần sớm thực hiện cấm xe khách giường nằm vào khu vực trung tâm.

Trước đó, Sở GTVT đã lập phương án cấm xe khách giường nằm vào nội đô 6-22h hàng ngày (trừ trường hợp đưa đón công nhân, học sinh, khách du lịch). Từ năm 2025 sẽ hạn chế thêm ôtô trên 30 chỗ (hoặc trên 16 chỗ).

Quốc lộ 1 đi qua Tp.Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh; đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, quận 7); đường Võ Chí Công (Tp.Thủ Đức); đường Đồng Văn Cống (Tp.Thủ Đức); đường Mai Chí Thọ (Tp.Thủ Đức); xa lộ Hà Nội (Tp.Thủ Đức) được xác định là vành đai ngăn các phương tiện này đi vào.

“Phương án này Sở GTVT đã lấy ý kiến và được các sở ngành liên quan cơ bản thống nhất. Sở GTVT đang hoàn chỉnh thủ tục trình UBND Tp.HCM trong tháng 11 để kịp triển khai trước Tết Nguyên đán 2023 sắp tới”, ông Võ Khánh Hưng cho biết.

Thực tế, những năm qua, Sở GTVT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc trong khu vực trung tâm như tổ chức lại luồng tuyến, hạn chế xe tải nặng lưu thông vào ban ngày và xe tải nhẹ lưu thông vào các khung giờ cao điểm. Một giải pháp đáng kể nữa là hạn chế phương tiện có kích thước lớn (xe khách) chạy vào một số tuyến đường nhỏ, điển hình như cấm xe khách trên 25 chỗ trong khoảng thời gian từ 6h đến 22h trên đường Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn (quận 10), đường Nguyễn Trãi (quận 5)…

Ngành giao thông cũng áp dụng một số giải pháp như cấm ôtô dừng đỗ trên các đường ở trung tâm như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Minh Khai... Ngoài ra, tháng 3/2020, Sở GTVT cũng lắp camera trên 14 tuyến đường khu vực quận 5 và xung quanh Bến xe Miền Đông để phạt nguội xe dừng đỗ, đón trả khách sai quy định cũng như thí điểm nhiều vị trí đón trả khách trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13.

Cùng với những giải pháp trên, Sở GTVT ban hành nhiều kế hoạch phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an Tp.HCM để tăng cường tuần tra, xử lý xe dù bến cóc. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ giải quyết phần ngọn, chưa thể xử lý triệt để.

Thống kê của sở này cho thấy, thành phố có hơn 100 điểm đón trả khách ở trụ sở nhà xe, bãi xe, cây xăng... Trong đó, nhiều xe núp bóng chạy hợp đồng, du lịch nhưng hoạt động như tuyến cố định gây ảnh hướng các xe trong bến, chưa kể tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.

Chuyên gia nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch Tp.HCM, người tham gia vào quá trình góp ý đề xuất của Sở GTVT Tp.HCM, cho rằng việc cấm xe trên 30 chỗ tác động nhiều đến quyền lợi của người dân khi đi lại, nhất là những người ở nội đô thành phố.

Dù vậy, ông Tính cho rằng việc này sẽ hạn chế thực trạng “xe dù, bến cóc” bát nháo hiện nay. "Thực tế, rất ít trường hợp xe giường nằm trên 30 chỗ chạy hợp đồng mà hầu hết đều chạy tuyến cố định. Đã là tuyến cố định thì phải chạy vào bến xe, chạy trong nội thành là sai", ông Tính nhận xét.

Ủng hộ việc cấm xe khách giường nằm, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, cho rằng lẽ ra thành phố phải lập vành đai cấm từ lâu. Không chỉ xe khách giường nằm, theo TS Thuận, thành phố phải yêu cầu các doanh nghiệp xe buýt, xe đưa rước công nhân dần chuyển đổi sang phương tiện dưới 50 chỗ cho phù hợp với hạ tầng giao thông vốn chật hẹp (ngoại trừ xe ngoại giao…).

Chia sẻ với báo Người Lao Động, TS Phạm Viết Thuận cho rằng đối với những bến cóc, xe dù thật sự gây ùn tắc giao thông và tạo cảnh bát nháo, thành phố nên kiên quyết dẹp. Song song đó, để đáp ứng nhu cầu có thật của hành khách, tức là khách ngại di chuyển quá xa để tiếp cận nhà xe, thành phố cần tăng cường các bến bãi tạm để trung chuyển một cách trật tự. Thậm chí, nên tổ chức các bến xe trung chuyển tại các quận, huyện để tiếp cận hành khách dễ dàng hơn, không dồn về vài hướng khiến hành khách vì ngại khó khăn mà chuyển sang đi xe dù.

Trước các ý kiến đóng góp, ông Võ Khánh Hưng cho biết thêm, cùng với việc cấm xe khách giường nằm vào nội đô, Sở GTVT Tp.HCM đang cùng nhiều đơn vị nghiên cứu lập các bến xe trung chuyển, ưu tiên hành khách công cộng đi đầu kết nối metro và vận tải công cộng liên tỉnh.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Lao Động)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tphcm-du-kien-cam-xe-khach-vao-noi-do-manh-tay-xu-ly-xe-du-ben-coc-a580716.html