Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó do cắt, giảm hạn mức tín dụng

VASEP kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận nguồn vốn vay trong giai đoạn xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng.

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), mới đây, đơn vị này đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan báo cáo các khó khăn, vướng mắc tác động tới năng lực sản xuất xuất khẩu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản cuối năm 2022 và 2023.

VASEP cho biết, mặc dù năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành xuất nhập khẩu thuỷ sản, nhưng xuất khẩu thủy sản đã có sự phục hồi và phát triển đáng kể, đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD tính đến hết tháng 10/2022, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến đến cuối tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Với nỗ lực và kết quả đó, dự kiến năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích gần với con số 11 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021).

Tuy nhiên, ngay khi bước vào quý IV/2022, các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn và kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ quý cuối năm 2022 và năm 2023.

Khó khăn đối với các doanh nghiệp thuỷ sản

Các chuyên gia VASEP nhận định doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp phải vướng mắc trong cắt – giảm hạn mức tín dụng cho vay của các Ngân hàng Thương mại (NHTM).

Theo đó, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân, khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.

Tài chính - Ngân hàng - Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó do cắt, giảm hạn mức tín dụng

Doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp phải vướng mắc trong cắt, giảm hạn mức tín dụng cho vay của các Ngân hàng Thương mại.

Các doanh nghiệp vẫn nhận thức rằng trong hoàn cảnh hiện nay điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng là trên cân đối chung nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên với hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh một cách bất ngờ ở giai đoạn đầu năm nên Doanh nghiệp khó tự cân đối nguồn vốn tăng nếu không có sự điều chỉnh tăng nguồn tín dụng từ ngân hàng, giúp các Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, duy trì tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu. VASEP kiến nghị Chính Phủ, Bộ Nông Nghiệp xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.

Bên cạnh đó, VASEP cũng chia sẻ những thách thức đối với các doanh nghiệp về chi phí tuân thủ xử lý môi trường. Cụ thể, theo quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) hiện hành và cả dự thảo QCVN sắp ban hành, nước thải từ ao nuôi thủy sản tập trung đang bị áp vào chung QCVN về nước thải công nghiệp, trong khi chăn nuôi lại có quy chuẩn riêng. 

Phía VASEP nhận định, các tiêu chuẩn nước thải công nghiệp thật sự không phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, là mức yêu cầu đặt ra các thách thức lớn trong xử lý nước thải nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, một cách không cần thiết và giảm tính cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. 

Theo dự thảo QCVN nước thải công nghiệp (bãi bỏ QCVN-11/2015 về nước thải chế biến thủy sản) thì quy định về ngưỡng chỉ tiêu phospho đối với nước thải chế biến thuỷ sản sau xử lý đang quá thấp (chỉ 4-6ppm, so với mức 20ppm của QCVN-11/2015) và chưa xét đến yếu tố đặc thù của ngành cũng như hiện hữu chưa có giải pháp công nghệ để đáp ứng đặc thù nước thải của thủy sản (phospho hữu cơ đầu vào cao). doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp thách thức lớn và chưa tìm ra được công nghệ xử lý.

Khó khăn cuối cùng mà VASEP nêu trong công văn là tình trạng thiếu lao động và thách thức cho việc đảm bảo năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thế giới. Theo đó, tại các tỉnh sản xuất thủy sản tập trung, tình trạng thiếu lao động làm việc trong các nhà máy cũng là một quan ngại với cộng đồng doanh nghiệp. Việc này gây sức ép lớn đến các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ, cam kết giao hàng và khó khăn để gia tăng công suất.

Kiến nghị nâng hạn mức tín dụng

Trước các bất cập nhận diện nêu trên, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các NHTM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay và năm tới 2023.

Đồng thời, Hiệp hội bày tỏ mong muốn Chính Phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistic trong nước.

Về quy chuẩn nước thải công nghiệp với ngành thuỷ sản, VASEP đề xuất có một Quy chuẩn nước thải riêng và phù hợp cho nuôi trồng thủy sản; chỉnh sửa các quy định, đặc biệt là chỉ tiêu phosphor, tại QCVN đang dự thảo cho nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù ngành và thông lệ khu vực tại các nước tương đương về kinh tế xã hội.

Ngoài ra, về vấn đề thiếu lao động, VASEP kiến nghị nâng quỹ đất để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, gia tăng phúc lợi xã hội; quy hoạch khu công nghiệp-đô thị cần xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp.

Phía VASEP chia sẻ, phần lớn doanh nghiệp nông-thủy sản còn ảnh hưởng cao của tính mùa vụ và người nông dân cũng ảnh hưởng thời vụ, nên Bộ Luật Lao động cần xem xét cho phép lao động các ngành này làm bán thời gian nhiều hơn để vừa giải quyết tốt lao động thời vụ của các doanh nghiệp vừa giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-thuy-san-gap-kho-do-cat-giam-han-muc-tin-dung-a580803.html