Một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 8/11, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2022, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân trong tình hình mới và đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm.
Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, khắc phục sơ hở, thiếu sót, trong đó có cả lĩnh vực an ninh trật tự;
Chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng, như: Giết người tăng 13,17%, mua bán người tăng 10,26%, cho vay lãi nặng tăng 41,95%, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng 31,15%.
Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương; nổi lên là một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cao cấp đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi như các vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước.
Cụ thể, một số vụ án như vụ Công ty Việt Á (Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, Công an 21 địa phương đã khởi tố 24 vụ/63 bị can); vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao.
Ảnh hưởng nghiêm trọng thị trường vốn
Báo cáo cũng chỉ ra, còn tình trạng lợi dụng sơ hở của công tác quản lý Nhà nước để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính tiền tệ, trong đó, có hành vi vi phạm được thực hiện trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý.
Cụ thể như: Vụ án Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo; vụ án Nguyễn Thành Nhân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings - bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ án Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần ASA - bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ án Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh - cùng đồng phạm bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, vẫn còn xảy ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng lưu ý, số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với năm 2021, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng; còn xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Cá biệt, đã có địa phương buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến phải khởi tố bị can một số cán bộ vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tan-hoang-minh-lua-dao-hon-8000-ty-dong-cua-6000-nha-dau-tu-a580835.html