Nhiều nơi "căng mình" dập dịch sốt xuất huyết
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong.
Như vậy, so với tuần 43, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca, con số này tương đương với tuần trước đó. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.
Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7 đến hết năm.
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Mới đây, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc trong khoảng 500-700 ca/tuần, thì đến cuối tháng 10/2022, ghi nhận 1.200-1.400 ca/tuần.
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 4/11, toàn thành phố ghi nhận 10.716 ca mắc, 12 ca tử vong; số ca mắc tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Quảng Nam: Là địa phương có số ca mắc cao nhất miền Trung, tỉnh Quảng Nam đang báo động đỏ vì dịch bùng phát, bệnh nhân gia tăng. Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Nam, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy năm 2022 rất cao và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay. Số ca mắc tính đến ngày 6-11 là hơn 14.000 ca, tăng gấp 20,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 3,4 lần so với trung bình 5 năm. Số mắc trên 100.000 dân của địa phương này là 981 ca, đứng đầu khu vực miền Trung. Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Đà Nẵng: Tại Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết trong ba tháng qua. Chỉ tính riêng trong tháng 10, bệnh viện này đã điều trị cho khoảng 500 ca mắc.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), trong tuần qua đã có hơn 450 ca mắc được phát hiện, cao nhất trong vòng 7 năm vừa qua. Số ca mắc trong tuần qua tăng gần ba lần so với đường cong chuẩn 5 năm (2016-2020).
Đại diện CDC Đà Nẵng nhận định đây đang là thời điểm bắt đầu gia tăng cả số ca mắc và ổ dịch trong năm. Do vậy đơn vị này khuyến cáo người dân phải đặc biệt thực hiện các biện pháp chống dịch như diệt bọ gậy và nhất là mắc màn khi ngủ.
Cảnh báo dịch sốt xuất huyết gia tăng trong tháng 11, 12
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Bên cạnh đó, thời tiết bắt đầu vào mùa Đông có nguy cơ bùng phát một số bệnh gây dịch khác như cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus...
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thấp thì mới đến viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu, hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận, thậm chí có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.
Tại Tp.HCM, Sở Y tế Thành phố vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết. Cụ thể, khi người bệnh sốt xuất huyết nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình thực hiện báo động đỏ đối với người bệnh nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu.
Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã thành lập tổ chuyên gia về điều trị sốt xuất huyết. Nhiệm vụ của tổ chuyên gia là tham gia cập nhật, bổ sung hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; xây dựng các đồng thuận trong điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; tham gia hội đồng chuyên môn phân tích, rút kinh nghiệm các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân nặng và tham gia quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân nặng.
Người dân còn chủ quan trước dịch sốt xuất huyết
Về nguyên nhân gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong thời gian gần đây, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ ra, đây là thời điểm thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, năm nay là chu kỳ 5 năm một lần sốt xuất huyết tăng cao. Theo dự báo, đỉnh dịch năm 2022 có thể rơi vào trung tuần tháng 11.
Một nguyên nhân khác khiến dịch ngày càng trở nên phức tạp là do tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.
Bên cạnh đó, do người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thường bệnh nhân đến các cơ sở y tế muộn, hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến bệnh bị nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, với dịch sốt xuất huyết, giải pháp quan trọng nhất là tổng vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc bệnh để có phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng.
Các chuyên gia y tế lưu ý nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết. Do chưa có thuốc đặc trị nên điều trị sốt xuất huyết bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc sốt xuất huyết không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết.
Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, người bệnh không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì phải khẩn trương nhập viện.
Cách phòng chống sốt xuất huyết
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Trúc Chi (theo Đầu Tư, Tuổi Trẻ, Chính Phủ)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dich-sot-xuat-huyet-van-chua-giam-nhiet-a581048.html