Nhu cầu tuyển dụng lao động dự báo sẽ “bùng nổ” vào cuối năm 2022

Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng đáng kể trong những tháng gần đây và dự báo sẽ có sự bùng nổ vào cuối năm 2022 do nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.

Tp.HCM dự kiến tuyền 43.000 lao động 

Trả lời về tình hình cắt giảm lao động trên địa bàn Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Tp.HCM cho biết 2 ngày qua đã liên tục làm việc với các quận, huyện, TP Thủ Đức nơi tập trung nhiều doanh nghiệp để khảo sát lại.

Ông cho hay do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, một số doanh nghiệp đã phải sắp xếp lại thời gian làm việc như không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần.

Cá biệt một số doanh nghiệp gia công giày da, may mặc bị thiếu hụt đơn hàng đã phải cắt giảm lao động như Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân)...

Với trường hợp Công ty Samho, ông Lâm cho biết đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo doanh nghiệp với công nhân vào sáng 10/11. Tại cuộc họp, Samho cam kết tạo điều kiện để những lao động chưa làm việc đủ 12 tháng được duy trì công việc đến khi đủ 12 tháng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các chế độ khác dự kiến được trao đổi trong buổi đối thoại chiều 11/11.

Riêng ở Công ty Tỷ Hùng, các cơ quan đã phối hợp làm việc với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Đến nay lãnh đạo Sở LĐTBXH khẳng định chưa có diễn biến phức tạp hơn tại đây.

Theo ông Lâm, cơ quan này đang phối hợp các đơn vị để kết nối cung cầu tại chỗ cho những lao động bị cắt giảm. Điển hình tại Củ Chi, số lao động chịu ảnh hưởng được thống kê là 1.803 người, tuy nhiên sàn giao dịch việc làm huyện này đã ghi nhận nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác là khoảng 1.500 người.

Kinh tế vĩ mô - Nhu cầu tuyển dụng lao động dự báo sẽ “bùng nổ” vào cuối năm 2022

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: Lao động. 

Đặc biệt, khảo sát tại 285 doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên ở thành phố cho thấy có 159 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng tổng cộng 8.232 người, tập trung ở các ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm.

"Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong những tháng cuối năm là 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ lễ Tết", ông Nguyễn Văn Lâm nói thêm.

Theo thống kê của Zing News, trên địa bàn thành phố có 248.897 doanh nghiệp đang hoạt động. Tính đến tháng 10, tổng số lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội là gần 2,5 triệu người, tăng gần 346.000 người so với cùng kỳ 2021 và tăng hơn 100 nghìn người so với 6 tháng đầu năm.

Thời gian tới, Sở sẽ theo dõi sát tình hình lao động tại các doanh nghiệp, cũng như hướng dẫn những đơn vị phải giảm lao động bảo đảm chính sách hỗ trợ cho người lao động. Các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được thực hiện kịp thời.

Cơ quan này đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, đặc biệt tại các địa bàn có doanh nghiệp sắp xếp lại lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động gặp gỡ phỏng vấn.

Tăng tiêu chí tuyển dụng 

Đánh giá về thị trường lao động dịp cuối năm, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng tuyển dụng miền Bắc của Công ty Golden Gate - cho biết, nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp tăng lên.

Là đơn vị có chuỗi nhà hàng, dịch vụ tại 22 tỉnh thành, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, ở nhiều vị trí như nhân viên phụ bếp, thu ngân, pha chế... Bên cạnh đẩy mạnh tuyển dụng qua mạng xã hội facebook, đơn vị cũng đăng tin tìm người lao động ở nhiều kênh khác nhau để tăng độ phủ sóng, tuyển dụng đủ lao động cho các vị trí còn trống.

Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hường - Trưởng phòng Nhật Bản II của Tập đoàn JHL Việt Nam - cho biết, hằng tháng, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng 100 chỉ tiêu xuất khẩu lao động làm tại các công xưởng, hàn… với mức lương 30.000.000 - 35.000.000 đồng/tháng. Đây là mức lương tương đối cao so với các công việc có cùng tính chất nghề nghiệp. Dù vậy, không dễ để có thể tuyển dụng lao động do đòi hỏi về tay nghề, trình độ kỹ thuật cao.

Bà Lê Thị Hải Vân, Trưởng bộ phận nhân sự Công ty TNHH AEON Việt Nam thông tin với Báo Tin tức, từ nay đến cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển 40 người, từ 18 tuổi trở lên làm việc theo giờ hoặc part time. Theo đó, vị trí tuyển dụng là nhân viên thực phẩm chế biến, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, nhân viên thu ngân, quầy thời trang, quầy gia dụng… Mức lương cơ bản từ 6 triệu đến 6,2 triệu đồng (làm full time), từ 23.000 – 24.500 đồng/ giờ (làm part time). Ngoài ra có phụ cấp chuyên cần, xăng xe, bữa ăn tại canteen, có thể làm xoay ca, linh hoạt...

“Chúng tôi tuyển nguồn đa dạng, từ đăng lên fanpage, nhân sự giới thiệu người quen, qua các sàn giao dịch việc làm. Đặc biệt dịp cuối năm, dự báo nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên thì việc nguồn tuyển dụng tăng, ưu tiên các bản trẻ”, bà Lê Thị Hải Vân chia sẻ.

Kinh tế vĩ mô - Nhu cầu tuyển dụng lao động dự báo sẽ “bùng nổ” vào cuối năm 2022 (Hình 2).

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Hà Nội giải quyết việc làm cho 183.027 lao động, đạt 114,4% kế hoạch giao trong năm, tăng 46.411 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 34% so với 10 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, anh Kim Ngọc Huỳnh, Phó Trưởng phòng nhân sự, Công ty TNHH chế tạo cốt thép Đông Anh cho biết: Đơn vị tuyển khoảng gần 10 nhân viên kỹ thuật với mức lương từ 10-15 triệu đồng và có chế độ phụ cấp tương xứng. Tuy nhiên, để tìm người đúng năng lực cho sản xuất, xây dựng cuối năm tương đối khó.

Trao đổi với Lao động, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội - cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, Hà Nội giải quyết việc làm cho 183.027 lao động, đạt 114,4% kế hoạch giao trong năm, tăng 46.411 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 34% so với 10 tháng đầu năm 2021.

Do tác động dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch… Do vậy, để đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, sở đã chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch hằng ngày và chuyên đề như: Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động từng đi làm tại Hàn Quốc, Nhật Bản; phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ, phiên giao dịch việc làm dành cho các nhóm lao động yếu thế…

Những xu hướng của thị trường lao động trong tương lai

Nhận định về xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong ba năm tới, các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2022 (VBE500 - năm 2022) cho rằng sẽ nổi lên 4 xu hướng, bao gồm: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “phi chính thức” gia tăng.

Các doanh nghiệp VBE 500 cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng đang tăng nhanh. Có đến 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết nhu cầu tuyển dụng tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2022. Hiện, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng cường tuyển dụng lao động.

Công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, ngân hàng… là những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong VBE500. Gần 40% các doanh nghiệp VBE tham gia khảo sát khẳng định có kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới cho những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, và có đến hơn 35% doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục giữ ổn định số lượng nhân viên công ty thông qua việc gia tăng chính sách và phúc lợi cho người lao động.

Có đến 49% doanh nghiệp VBE500 cho biết đã điều chỉnh tăng đôi chút đối với các chính sách phúc lợi dành cho người lao động, và khoảng 24% cho biết đã tăng đáng kể. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi nhu cầu nguồn nhân lực của Việt Nam khi bước vào giai đoạn bình thường mới, sau khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Kinh tế vĩ mô - Nhu cầu tuyển dụng lao động dự báo sẽ “bùng nổ” vào cuối năm 2022 (Hình 3).

Nhu cầu tuyển dụng lao động được dự báo sẽ bùng nổ vào cuối năm.

Bên cạnh đó, khảo sát xu hướng chọn nghề nghiệp sau đại dịch của người lao động cho thấy nhóm ngành sử dụng công nghệ như: Fintech, bán hàng tiếp thị số, công nghệ thông tin và bảo mật, y tế và chăm sóc sức khỏe… chiếm tỷ trọng cao. Động thái trên cũng bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay.

Đại dịch Covid-19 đã định hình lại các xu hướng lực lượng lao động hiện có và xúc tác cho những xu hướng mới. Nhìn chung thị trường lao động việc làm Việt Nam đã có sự khởi sắc nhất định và nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực trong thời gian qua. Trong đó, việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động vẫn tiếp tục là những giải pháp cần được ưu tiên để tiến tới một thị trường lao động ổn định trong thời kỳ bình thường tiếp theo.

Hương Anh (tổng hợp) 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhu-cau-tuyen-dung-lao-dong-du-bao-se-bung-no-vao-cuoi-nam-2022-a581054.html