Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Cụ ông Nhật Bản đẩy vợ khuyết tật xuống biển sau 40 năm chăm sóc

Một cụ ông ở miền Đông Nhật Bản đã bị bắt với cáo buộc giết người khi đẩy người vợ ngồi xe lăn của mình xuống biển.

Án Nước ngoài: Chồng đẩy vợ xuống biển rồi thú nhận với con

Cảnh sát ở Oiso, tỉnh Kanagawa, hôm 3/11 cho biết ông Hiroshi Fujiwara (81 tuổi) đã thừa nhận các cáo buộc. Ông cho biết cảm thấy mệt mỏi khi phải chăm sóc người vợ bị tàn tật của mình trong 40 năm qua, theo South China Morning Post.

Cảnh sát cho biết vụ việc xảy ra hôm 2/11 tại một bến tàu ở Oiso sau khi ông Fujiwara lái xe chở bà Teruko (79 tuổi) đến nơi này và cho bà ngồi lên xe lăn. Sau đó, ông Fujiwara đẩy chiếc xe lăn đi vài phút rồi đẩy vợ cùng xe xuống biển.

Ông Fujiwara sau đó đã đến nhà của con trai cả và thú nhận hành vi này, Japan Today đưa tin. Người con trai gọi điện cho cảnh sát và thông báo: "Bố tôi nói rằng ông ấy đã đẩy mẹ tôi xuống biển".

Tờ Mainichi cho biết có ngư dân cũng đã liên hệ với đường dây nóng khẩn cấp của cảnh sát sau khi thấy một thi thể nổi trên mặt nước. Nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện nhưng được cho là đã qua đời.

Nhiều người cho rằng vấn đề ngược đãi người cao tuổi ở Nhật Bản chưa được quan tâm đúng mức và khuyến nghị chính phủ thực hiện chế độ an sinh để giảm bớt phần nào gánh nặng cho những người mắc bệnh nan y.

Có hơn 1/4 trong 126 triệu người dân Nhật Bản trên 65 tuổi. Theo dự báo, số lượng người trên 65 tuổi sẽ chiếm 1/3 dân số nước này vào năm 2050.

Một cuộc khảo sát năm 2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho thấy có 17.281 trường hợp người cao tuổi bị các thành viên trong gia đình hành hung vào năm 2020. Trong đó, 25 người đã tử vong.

Pháp luật - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Cụ ông Nhật Bản đẩy vợ khuyết tật xuống biển sau 40 năm chăm sóc

Ông Hiroshi Fujiwara đẩy vợ xuống biển vì cảm thấy mệt mỏi khi phải chăm sóc bà trong 40 năm qua. Ảnh minh họa

Luật Việt Nam:

Sống là quyền tự nhiên của con người

Con người có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Trong bất cứ xã hội nào, con người đều có quyền tự nhiên là quyền sống và đòi hỏi các chủ thể khác phải tôn trọng. Vì vậy, người xâm phạm tới quyền này sẽ bị pháp luật xử lý.

Ở Việt Nam cũng đã từng xảy ra vụ bà nội đầu độc cháu bị bại não. Sau khi sự việc vỡ lở, bà Chử Thị Mỹ L. (Thái Bình) khai nhận đã pha thuốc chuột vào sữa cho cháu nội uống vì muốn “giải thoát” cháu khỏi cảnh đau ốm liên miên do các chứng tật bẩm sinh hành hạ mỗi ngày.

Trên thế giới cũng đã từng xảy ra nhiều trường hợp người khuyết tật, đau ốm bị người thân của mình sát hại. Theo một bài báo đăng trên tờ Nytimes.com vào cuối năm 2019, tại bang Florida (Mỹ) đã xảy ra vụ bà Lillian Parks, 87 tuổi, sát hại cháu trai 30 tuổi. Khi bị bắt, bà Lillian Parks khai do bà lo lắng sau khi bà chết sẽ không có ai chăm sóc cháu trai nên đã cho cháu dùng thuốc quá liều, dẫn đến tử vong. Bà Lillian Parks bị cáo buộc tội giết người cấp độ 2.

Trên thực tế, có rất nhiều gia đình, nhiều người đang phải lo lắng cho người thân của mình bị khiếm khuyết, bệnh tật, thậm chí phải sống thực vật. Nhưng dù bệnh tật nặng hoặc khiếm khuyết  đến đâu thì những người không may mắn đó cũng có quyền được sống như bao người khác. Không có gì để biện minh cho hành động cướp đi mạng sống của người khác, dù đó là người thân của mình…Lương tâm không cho phép làm vậy, pháp luật lại càng không.

 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 khẳng định: Ai cũng có quyền được sống, tự do và an toàn thân thể. Điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) 1966 tiếp tục khẳng định: “Mọi người đều có quyền cố hữu là quyền được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước quyền sống một cách tùy tiện”.

Vì vậy, hành vi đẩy vợ xuống biển của cụ ông ở Nhật Bản là không thể biện minh và nếu áp dụng pháp luật của Việt Nam, hành vi này phải bị xử lý về tội Giết người, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Về hình phạt, khoản 1 Điều 123 quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn.

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Hành vi khách quan của tội Giết người là hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống. Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức hành động hoặc không hành động. Hành động thể hiện qua việc người phạm tội đã chủ động thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép như dùng dao đâm, dùng súng bắn, dùng gậy đánh, dùng gạch ném...tác động vào thân thể nạn nhân nhằm tước bỏ tính mạng người đó…

Hành vi của người phạm tội Giết người có thể có hoặc không sử dụng vũ khí, hung khí. Không sử dụng vũ khí hoặc hung khí là trường hợp người phạm tội chủ yếu sử dụng sức mạnh cơ thể của mình tác động lên cơ thể của nạn nhân hoặc đẩy nạn nhân vào điều kiện không thể sống được như đấm, đá, bóp cổ... hoặc dùng các thủ đoạn khác như đẩy xuống sông...; Sử dụng vũ khí, hung khí là sử dụng các công cụ phạm tội như súng, lựu đạn, bom, mìn, dao, búa, gậy gộc,... hoặc các tác nhân gây chết khác như thuốc độc, điện...

Hành vi giết người còn được thể hiện dưới hình thức dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực. Dùng vũ lực là trường hợp người phạm tội sử dụng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể nạn nhân. Việc dùng vũ lực có thể được thể hiện bằng các hình thức: Trực tiếp dùng tay, chân để đánh, đá, bóp cổ...; thực hiện gián tiếp thông qua phương tiện vật chất (có công cụ, phương tiện phạm tội) như dùng dao để đâm, chém, dùng súng bắn...

Không dùng vũ lực nghĩa là dùng các thủ đoạn khác mà không sử dụng sức mạnh vật chất để tác động lên cơ thể nạn nhân như dùng thuốc độc để đầu độc nạn nhân, gài bẫy điện để nạn nhân vướng vào...

    Hậu quả do hành vi giết người gây ra là làm người khác chết. Chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác (hay làm cho người khác chết) thì đã bị coi là cấu thành tội Giết người dù hậu quả chết người có xảy ra hay không.

Việc dùng vũ lực không gây ra hậu quả trực tiếp làm nạn nhân chết mà chỉ có tác dụng đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và tử vong (như xô nạn nhân xuống sông và bỏ mặc cho đến chết hoặc đạp nạn nhân ra ngoài đường đang có nhiều xe ôtô chạy dẫn đến bị xe cán chết...) vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người nếu chứng minh được người thực hiện hành vi đó có mục đích giết người. Đây có thể xem là hậu quả gián tiếp. 

Trong vụ việc trên, cụ ông ở Nhật Bản đã đưa vợ lên xe lăn rồi đẩy cả xe lẫn người xuống biển. Hành vi này đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sau đó tử vong. Lý do cụ ông làm như vậy là vì “cảm thấy mệt mỏi khi phải chăm sóc nạn nhân trong 40 năm qua”. Như vậy, dù nạn nhân chết là hậu quả gián tiếp nhưng mục đích của cụ ông là giết vợ nên vẫn sẽ bị xử lý về tội danh này.

   Ánh Dương (Thực hiện)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-nam-cu-ong-nhat-ban-day-vo-khuyet-tat-xuong-bien-sau-40-nam-cham-soc-a581310.html