Thanh long đỏ là loại trái cây có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Trung bình mỗi 100g thanh long chứa 2,83g fructose và 7,83g glucose. Ngoài vitamin C, nó còn chứa 23,3mg axit malic, 2,8mg axit shikimic, 20mg axit oxalic, 19,1mg axit quinic, axit succinic, axit fumaric,… Do chứa một lượng lớn axit hữu cơ nên độ pH trong thanh long đỏ đạt 5,8 ~ 6,4.
Với đặc tính ít sâu bệnh, cây thanh long đỏ có thể phát triển bình thường mà không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Vì vậy, thanh long đỏ là loại quả thân thiện với môi trường và là thực phẩm tốt cho sức khỏe, có tác dụng chữa bệnh nhất định.
Một số lợi ích nổi bật của thanh long đỏ là:
-Giúp giảm cân: Nếu bạn muốn ăn nhẹ nhưng lo sợ bị tăng cân thì có thể lựa chọn thanh long đỏ. Loại quả này chứa nhiều chất xơ, sẽ tạo cảm giác no bụng và thỏa mãn cơn đói, đồng thời giúp bạn không bị đói quá sớm và giảm tế bào mỡ trong cơ thể.
-Giúp làn da khỏe mạnh: Uống nước ép thanh long ruột đỏ hàng ngày không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn mang lại làn da trắng sáng, săn chắc. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong loại trái cây này có tác dụng ngăn chặn tác động của các gốc tự do trên da, vốn có thể gây ra nếp nhăn. Ngoài ra, vitamin C trong thanh long ruột đỏ sẽ làm sáng da và loại bỏ tình trạng xỉn màu.
-Giúp vết thương mau lành: Thanh long ruột đỏ rất có lợi trong việc chữa lành vết thương một cách nhanh chóng. Trong trường hợp bạn bị đứt tay hoặc có vết thương, hãy thoa một ít nước ép thanh long ruột đỏ lên da để đẩy nhanh quá trình phục hồi. Đồng thời, uống nước ép thanh long ruột đỏ cũng có thể giúp làm lành vết thương nhanh hơn từ bên trong.
-Tốt cho tiêu hóa: Thanh long chứa prebiotics, là thực phẩm cung cấp vi khuẩn lành mạnh được gọi là probiotics trong ruột. Có nhiều prebiotics hơn trong hệ thống tiêu hóa có thể cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn tốt đến xấu trong đường ruột của bạn. Cụ thể, thanh long khuyến khích sự phát triển của probiotics lactobacilli và bifidobacteria. Những vi khuẩn này và các vi khuẩn hữu ích khác có thể tiêu diệt virus và vi khuẩn gây bệnh đồng thời giúp tiêu hóa thức ăn.
-Tăng cường hệ miễn dịch: Thanh long chứa nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa khác rất tốt cho hệ miễn dịch. Ngoài ra, trong quả thanh long có chứa sắt, là chất rất quan trọng để vận chuyển oxy trong cơ thể và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vitamin C trong thanh long giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng chất sắt.
- Giảm nguy cơ tiểu đường: Thanh long đỏ rất giàu chất xơ và chất chống oxy hoá có tác dụng ngăn ngừa tiểu đường rất tốt.
-Ngăn ngừa ung thư: Thanh long chứa nhiều chất chống oxy hoá giúp trung hoà các gốc tự do vì thế có thể ngăn ngừa được ung thư. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, carotenoid và betaxanthin trong thanh long cũng có tác dụng giảm nguy cơ ung thư.
Dù rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu bạn ăn quá nhiều thanh long đỏ, nó có thể khiến nước tiểu, phân của bạn có màu hồng hoặc đỏ. Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu bạn ăn nhiều củ dền. Tuy nhiên, nước tiểu, phân sẽ trở lại màu sắc bình thường sau khi bạn bài tiết hết thực phẩm này.
Thanh long đỏ làm cho phân, nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu đỏ nếu ăn quá nhiều, đó là do các sắc tố đỏ trong thanh long được gọi là betalain - thường được phân hủy trong dạ dày và ruột kết.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh, điều này có thể xảy ra khi nồng độ axit oxalic cao, làm phân có màu đỏ. Đây cũng chính là lý do người mắc sốt xuất huyết không nên ăn thanh long đỏ
Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, ThS.BSCKII. Hà Phan Thắng cho biết, người bệnh sốt xuất huyết cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt, ăn uống đủ chất trong quá trình điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, có một số thực phẩm, trái cây và đồ uống nên hạn chế ăn trong thời điểm này đó là những thực phẩm có màu nâu, màu sẫm, màu đỏ như: tiết heo, tiết bò, tiết gà, củ dền, quả thanh long đỏ...
Lý do của việc nên tránh những thực phẩm có màu sẫm, nâu, đỏ là vì một trong các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Nếu người bệnh sử dụng nhiều những thực phẩm đó thì khi bị nôn ói hoặc tiêu, tiểu có thể sẽ có màu sẫm hoặc đỏ. Điều này sẽ làm người bệnh khó phân biệt hoặc dễ nhầm lẫn với dấu hiệu xuất huyết do chảy máu bên trong nếu có.
Minh Hoa (t/h theo báo Lao Động, Sức khỏe & Đời sống)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-benh-nhan-sot-xuat-huyet-khong-nen-an-thanh-long-do-a581563.html