Xem World Cup kiểu ngày xưa: Mua lịch thi đấu dán trong nhà trước vài tháng, cả làng xem chung một chiếc tivi

Trong ký ức của nhiều người, những kỳ World Cup trước đây luôn đem đến sự rạo rực, hấp dẫn và đầy cống hiến dù còn thiếu thốn điều kiện về vật chất.

World Cup là giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới, được tổ chức 4 năm một lần. Năm 2022, World Cup lần đầu tiên được tổ chức vào mùa đông thay vì mùa hè như thường lệ. Trong vòng 1 tháng tới, người hâm mộ sẽ “ăn ngủ cùng bóng đá” với 64 trận cầu hấp dẫn. 

Việt Nam là một trong những quốc gia người dân rất cuồng nhiệt với bóng đá, mỗi kỳ World Cup luôn để lại những dấu ấn đậm nét. Dù các trận đấu diễn ra vào những khung giờ sáng sớm hay tối muộn đều có lượng khán giả theo dõi lớn. Mọi độ tuổi, giới tính, thế hệ… đều có tình yêu đặc biệt với trái bóng tròn.

World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar là lần thứ 22 giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh này khởi tranh

Theo số liệu từ Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam, trong kỳ World Cup gần nhất vào năm 2018, phần lớn đối tượng theo dõi giải đấu là nam giới từ 41 - 60 tuổi, tiếp theo là thanh niên từ 21 - 40 tuổi. Bên cạnh đó, nữ giới ở độ tuổi 41 - 60 tuổi xem World Cup nhiều nhất, đặc biệt là những trận đấu của các đội Hàn Quốc, Đức…

Khán giả Việt Nam hiện nay có thể xem tất cả các trận đấu World Cup thuận lợi khi VTV mua bản quyền và chiếu miễn phí trên các kênh sóng. 

Người dân Việt Nam lần đầu được xem trực tiếp World Cup từ khi nào?

Kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức vào năm 1930, nhưng mãi đến năm 1982, người hâm mộ ở Việt Nam mới chính thức được sống trực tiếp trong không khí của ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới qua truyền hình. Thời đó vẫn còn truyền hình đen trắng và khán giả được xem World Cup miễn phí, chưa phải trả tiền bản quyền khi xin tiếp sóng từ Liên Xô hoặc đổi lại bằng quảng cáo.

Trên thực tế, người dân Việt Nam đã được xem World Cup từ năm 1974 nhưng dưới dạng phát lại, chậm so với thời gian diễn ra hơn 1 năm. Mãi đến năm 1982 mới thực sự xem tường thuật trực tiếp cùng thời điểm diễn ra giải đấu.

Tivi đen trắng, cả xóm tụ tập xem các trận đấu là khung cảnh thường thấy vào mỗi mùa World Cup

Chiếc tivi đen trắng to nhỏ khác nhau, hình ảnh nhòe, không sắc nét, có lúc mất tiếng, lúc mất hình. Thậm chí trong ký ức của những người trải qua việc xem World Cup vào những năm bao cấp, nhiều khi mất điện cả ngày đến 9-10 giờ tối mới có, thỉnh thoảng tivi chập chờn tính hiệu, vừa xem bóng đá vừa xoay ăng-ten hoặc lấy tay đập cành cạch vào chiếc vô tuyến.

Sau năm 1982, khán giả Việt đều đặn được theo dõi các trận đấu tại những kỳ World Cup. Cũng nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ, truyền hình chuyển từ đen trắng sang màu. Cùng với đó là những chương trình bình luận, bên lề về chủ đề bóng đá cũng được cho lên sóng.

Người Việt xem World Cup từ khi truyền hình còn đen trắng đến lúc có màu

Câu chuyện bản quyền World Cup ở Việt Nam cũng là chủ đề nóng mỗi khi giải đấu này khởi tranh. Năm 2002, trong kỳ World Cup được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc, FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) báo giá 2 triệu USD cho gói bản quyền trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã mua với giá khoảng 1 triệu USD. Lần lượt sau đó giá mua bản quyền World Cup 2006 ở Đức là 2 triệu USD, Nam Phi 2010 là 2,7 triệu USD, Brazil 2014 là 7 triệu USD, Nga 2018 là 12 triệu USD và Qatar 2022 là 15 triệu USD.

Nếu như nhiều quốc gia khác sẽ yêu cầu người dân trả phí cho một số hoặc tất cả các trận đấu tại World Cup thì khán giả Việt Nam được theo dõi hoàn toàn miễn phí. Đây là điều mà nhiều người Việt cảm thấy thích thú và hào hứng khi được xem World Cup rất thuận lợn, sắc nét trên nền tảng truyền hình.

Kĩ thuật truyền hình ngày càng hiện đại, đem đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị khi xem World Cup

Mua lịch thi đấu dán trong nhà trước cả tháng

Mỗi khi đến thời điểm World Cup khởi tranh, gần như trong những câu chuyện đời sống thường ngày đều xuất hiện thông tin về bóng đá. Mọi người bàn luận về các trận đấu đã, đang và sắp diễn ra, những cầu thủ nổi tiếng, rồi tỉ số trậ đấu…

Hình ảnh dễ dàng bắt gặp nhất trong những gia đình yêu thích bóng đá là lịch thi đấu World Cup được dán lên tường, ở vị trí rộng rãi, dễ nhìn nhất để theo dõi thời gian các trận đấu diễn ra. 

Lịch thi đấu là thứ không thể thiếu trong những gia đình yêu thích bóng đá tại Việt Nam

Trong ký ức về những lần cùng bố xem World Cup, Nguyễn Thành (quận 5, TP.HCM) vẫn nhớ như in các tấm lịch thi đấu được mua từ rất sớm, trước khi bóng lăn cả tháng. Sau đó dán ở khu vực cạnh tivi, để xem xong trận đấu nào sẽ ghi tỉ số cụ thể lên đó. Hầu như nhà nào trong xóm cũng có một lịch thi đấu như vậy. 

World Cup cách đây 8 năm trên đất Brazil là giải đấu đáng nhớ nhất với Thành. Năm đó chàng trai này chỉ mới 14 tuổi, theo dõi cổ vũ cho đội tuyển Bồ Đào Nha với thần tượng là cầu thủ Ronaldo. Trận đấu đáng nhớ nhất của Thành là giữa Brazil và Đức với tỉ số 1-7. Năm đó vì bố đưa chị gái đi thi Đại học nên ở nhà Thành theo dõi một mình và cảm thấy sốc trước kết quả thảm bại của chủ nhà Brazil.

Với Thành, thấy các chú, các bác đi mua lịch thi đấu là dấu hiệu của một mùa bóng đá quốc tế nữa lại về. Thậm chí có những tấm lịch được lưu giữ từ kỳ World Cup này sang World Cup khác.

Cả làng cả xóm xem chung 1 chiếc tivi, "ăn ngủ cùng bóng đá"

Ngày trước khi điều kiện không đầy đủ để mỗi gia đình có riêng một chiếc tivi như hiện tại, mỗi trận bóng World Cup như một sự kiện lớn cả xóm, cả làng tụ họp lại. Không khí háo hức, say mê với bộ môn thể thao này rạo rực đến lạ. Hàng chục người đàn ông mặc quần đùi, cởi trần rủ nhau đến những nhà có tivi để xem, say sưa hò hét, cổ vũ theo từng đường bóng.

Thời đó nhà ai có tivi thì cực “oai”, cả xóm kéo đến chờ đợi theo dõi các trận đấu. Thậm chí một chiếc tivi có giá bằng cả tấn thóc, ai mua được rất hãnh diện, khiến bao người ao ước, ngưỡng mộ.

Trước đây, nhiều người không có điều kiện xem World Cup thì có thể nghe lại đài hoặc ra sạp mua báo để nắm thông tin, tỉ số và diễn biến. Thậm chí có người xem World Cup quên cả công việc hay sẵn sàng nghỉ làm để dành trọng thời gian cho giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh này.

Người dân Việt Nam dường như "ăn ngủ cùng bóng đá" vào mùa World Cup 

Bên cạnh đó, câu chuyện mua chung tivi để xem World Cup cũng là ký ức đặc biệt. Với niềm đam mê với trái bóng tròn, nhiều người lao động, sinh viên xa nhà mà đa phần là nam giới sẽ góp tiền lại để cùng mua hoặc thuê tivi xem hết mùa World Cup. Những trận đấu xem chung cả xóm trọ, khu vực sinh sống trở thành kỷ niệm đáng nhớ.

Dường như World Cup trở thành nội dung chính trong những cuộc hẹn, ai đi làm đi học đều sắp xếp để dành thời gian tối ưu nhất theo dõi các trận cầu hấp dẫn.

Ngày nay, không chỉ tại nhà, nhiều hàng quán đầu tư thiết bị máy móc, màn hình trình chiếu các trận bóng đá lớn một cách bài bản thu hút khách hàng. Nhiều người muốn bầu không khí sôi động, đông đúc thường sẽ tìm đến những hàng quán như vậy.

Chiếc tivi nhỏ trở thành cầu nối đam mê thể thao của người dân Việt Nam với thế giới

Trước đây, việc xem World Cup đa phần trên tivi, khi các nền tảng công nghệ phát triển, khán giả có thể theo dõi thông qua những thiết bị thông minh như: điện thoại di động, máy tính… World Cup - giải bóng đá lớn nhất hành tinh, tổ chức ở những đất nước xa xôi nhưng trở nên gần gũi với người dân Việt Nam hơn bao giờ hết.

THÀNH GIANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xem-world-cup-kieu-ngay-xua-mua-lich-thi-dau-dan-trong-nha-truoc-vai-thang-ca-lang-xem-chung-mot-chiec-tivi-a581923.html