Bộ Tài chính họp bàn về trái phiếu doanh nghiệp: Phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ

Trước những diễn biến của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là lúc cả nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn giải pháp và cùng giúp nhau vượt qua; phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ. Nếu chính sách tiền tệ thất bại thì chính sách tài khoá cũng thất bại.

Sáng 23/11, tại trụ sở của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ chủ trì cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

bo tai chinh hop khan lien quan den trai phieu doanh nghiep chung khoan dspl

Bộ Tài chính họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCNKK); Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Ngoài ra, cuộc họp cũng có mặt lãnh đạo các công ty chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp.

Sau nhiều vụ gian lận liên quan đến hàng loạt ông lớn như Tân Hoàng Minh, FLC… khiến niềm tin thị trường mất đi, nhiều nhà đầu tư tháo chạy, ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ đang có xu hướng thắt chặt về tín dụng cho hay ở một số lĩnh vực bất động sản, lãi suất tăng… bối cảnh khiến nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại hiệu ứng các vụ án lớn về trái phiếu sẽ gây đổ vỡ thị trường vốn, bất động sản…

Trước tình hình đó, Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình của doanh nghiệp hiện nay có những khó khăn, sức sản xuất, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng và nếu tiếp tục tình hình này thì rất khó khăn cho thời kỳ tiếp theo.

Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham mưu giảm thuế 232.000 tỷ đồng; cố gắng giảm giá xăng dầu; thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay triển vọng về kinh tế Việt Nam vẫn được các định chế tài chính đánh giá rất cao, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 8%; thu NSNN có thể vượt khoảng 14,5%, CPI dưới 4%, bội chi ngân sách dưới 4%.

Về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Tuy vậy, thị trường chứng khoán vừa rồi suy giảm, riêng chỉ số VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so với đầu năm 2022. Trên thực tế thì nhiều cổ phiếu mất tới 70% giá trị và vấn đề thanh khoản rất hạn chế.

Bộ trưởng mong muốn cuộc làm việc với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành có thể tìm ra giải pháp nhằm giúp thị trường chứng khoán quay trở lại bình thường và tiếp tục phát triển, cũng như tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho trị trường trái phiếu và tăng cường tính thanh khoản.

Về trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp luôn xác định là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính cam kết: Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp sau đó sẽ nhóm họp các Bộ ngành như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ KH&ĐT… để thống nhất các giải pháp thời gian tới, sau đó trình Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo nhất quán trong phân công nhiệm vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường vốn, kinh tế để trong lúc khó khăn như này chúng ta mới vượt qua được.

Ông Phớc khẳng định, đây là lúc cả nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn giải pháp và cùng giúp nhau vượt qua; phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ. Nếu chính sách tiền tệ thất bại thì chính sách tài khoá cũng thất bại.

"Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến sự phát triển, năng lực doanh nghiệp không còn nữa thì đương nhiên, không thu được thuế thì ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tài khoá ngay", ông Phớc chia sẻ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Cụ thể, quý I/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 134.800 tỷ đồng, quý II là 122.400 tỷ đồng, quý III là 65.900 tỷ đồng và trong tháng 10/2022 là 5.800 tỷ đồng.

Trong đó, 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng cũng là nhóm phát hành lớn nhất với 41,3% tổng khối lượng phát hành. Theo sau là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,9% và 7,8% lượng phát hành.

Theo Bộ Tài chính, sau các vụ việc liên quan đến một số doanh nghiệp đình đám, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.

Ngoài ra, các tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp chuyển sang gửi tiết kiệm.

Bạch Hiền (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-tai-chinh-hop-ban-ve-trai-phieu-doanh-nghiep-phai-giu-duoc-thi-truong-tai-chinh-tien-te-a582112.html